Năm 2018, xử lý được gần 150 nghìn tỷ đồng nợ xấu

ANTD.VN - Mục tiêu cụ thể đối với xử lý nợ xấu của NHNN đến cuối năm 2019 là tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của tổ chức tín dụng (TCTD) ở mức dưới 2% và nợ xấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Dù chưa cập nhật cụ thể thêm về nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nhưng mức nợ xấu nội bảng nói trên, theo NHNN là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 vừa ban hành đầu năm nay.

Theo Phó Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi, đi đôi với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thì nợ xấu luôn là rủi ro tiềm ẩn. Do đó, mục tiêu cụ thể đối với xử lý nợ xấu của NHNN đến cuối năm 2019 là tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD ở mức dưới 2% và nợ xấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.

Ngành ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42

Định hướng của NHNN trong công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là NHNN tiếp tục triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Đồng thời, kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường; hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD.

Việc xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD Việt Nam trong việc xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững

Theo ông Trần Đăng Phi, hoạt động xử lý nợ xấu rất khó khăn, không chỉ là nhiệm vụ của ngành ngân hàng mà các Bộ ban ngành, địa phương cũng cần vào cuộc để cùng gỡ vướng mắc xử lý nợ xấu. Để đạt mục tiêu trên, NHNN đã và đang có nhiều giải pháp cụ thể như: Thực hiện các hoạt động liên quan thu giữ tài sản bảo đảm; Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng tín dụng, không để các khoản nợ xấu phát sinh ngoài tầm kiểm soát các ngân hàng.

“NHNN đang trình Chính phủ một số nội dung liên quan đến các bộ ngành khác, đặc biệt trong hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm, để các bộ ngành cùng phối hơp NHNN. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu, nhất là từ trích lập dự phòng. Các ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động, giảm tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro và đẩy mạnh mảng dịch vụ…” – ông Trần Đăng Phi nói

Ngoài ra, theo các chuyên gia, để việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ với sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, quá trình xử lý nợ xấu sẽ được thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ra Chỉ thị đầu tiên trong năm 2019 - Chỉ thị 01, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Ngân hàng bám sát phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2019.

Trong đó, NHNN yêu cầu các TCTD cần thực hiện quyết liệt và hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu.

Ngành ngân hàng phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.