Năm 2018: Lãi suất có điều kiện giảm thêm

ANTD.VN - "Tôi nghĩ rằng, năm 2018 có điều kiện giảm thêm lãi suất nhưng không nhiều. Lãi suất sẽ ổn định và giảm mức độ nhỏ". Đây là nhận định của ông Trương Văn Phước, Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong cuộc trao đổi với phóng viên về tình hình kinh tế, tài chính trong năm 2017, 2018.

- PV: Thưa ông, năm 2017 đã khép lại với tốc độ tăng trưởng GDP vượt qua mọi dự báo trước đó, đạt 6,81%. Ông lý giải như thế nào về con số này?

- Ông Trương Văn Phước: Năm 2017, mục tiêu tăng trưởng đầu năm đưa ra 6,7%. Đến giữa năm chúng ta vẫn còn lo ngại, nhưng các chính sách chỉ đạo điều hành Chính phủ sâu sát, cùng với đó là những chính sách từ năm trước có hiệu ứng lan tỏa tạo môi trường kinh doanh vàsự hưng phấn trong xã hội cũng như trong từng cá nhân.

Kết quả tăng trưởng GDP năm nay có nhiều đóng góp mang tính định lượng của công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu nông lâm sản, khu vực dịch vụ, du lịch….

- Có một thực tế là chúng ta đã “nới room” tăng trưởng tín dụng lên mức 21% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cuối cùng đã không đạt con số này. Trong khi tăng trưởng kinh tế lại vượt mong đợi, ông có nhận định gì về điều này?

- Mong muốn tăng trưởng tín dụng 21% được đưa ra từ giữa năm, khi chúng ta lo ngại tăng trưởng GDP không đạt được 6,7%. Tuy nhiên, đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng ước chỉ tăng khoảng 18,7-19,3% nhưng GDP vẫn đạt cao, cho thấy tín dụng có đóng góp quan trọng nhưng không phải là nhân tố quyết định cho tăng trưởng. Vấn đề là chất lượng của dòng vốn tín dụng thế nào. Dù chúng ta đã có điều chỉnh nhưng vẫn lo ngại vốn chảy vào chứng khoán và bât động sản quá nhiều.

Vốn vào chứng khoán và bất động sản đều có hai mặt. Công tâm nhìn nhận, dòng vốn tín dụng vừa qua hâm nóng thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu tốt. Chứng khoán cũng là kênh tăng trưởng gián tiếp cho kinh tế… Với tăng trưởng tín dụng 18-19% cùng sự quản lý tốt để vốn đi vào các kênh sản xuất kinh doanh có thể xem là thành công của chính sách tiền tệ.

Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Trương Văn Phước

- Một tin vui là dự trữ ngoại hối Việt Nam có thể đạt con số kỷ lục 50 tỷ USD. Ông có bình luận gì về con số này?

 - Con số dự trữ ngoại hối 50 tỷ chúng ta không  nghĩ là chúng ta sẽ đạt được năm nay mà là 2019, 2020. Nhưng mà năm nay Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 1 mức dự trữ ngoại hối kỷ lục. Nó phản ánh nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn con số, cho thấy Việt Nam là nền kinh tế mở và có các dòng vốn đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp chảy vào. Điều đó nói lên niềm tin của nhà đầu tư với nền kinh tế kinh tế trong nước.

Vì vậy tôi cho rằng với nền kinh tế như Việt Nam, với mức dự trữ ngoại hối như vậy sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đó là lợi thế để chúng ta thực hiện các chính sách ngoại hối, tỷ giá, lãi suất. Chúng ta có thêm lợi thế để thu hút vốn từ ngoài vào.

- Theo ông, những thành công của chính sách tiền tệ năm qua là gì?

- Điểm nổi bật nhất theo tôi là Ngân hàng Nhà nước đã điều phối các công cụ chính sách tiền tệ rất nhịp nhàng. Mức tăng trưởng tín dụng và cung tiền khá cao mà việc điều hành uyển chuyển, không tạo ra áp lực lạm phát là một thành công.

Quá trình tái cơ cấu đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, trong đó có việc đề xuất để Quốc hội thông qua Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và triển khai có hiệu quả.

Nhìn chung, năm 2017 chứng kiến một thị trường tiền tệ ổn định và có những điều chỉnh để các dòng vốn vào mục tiêu sản xuất kinh doanh nhiều hơn.

- Vấn đề mà người dân và doanh nghiệp quan tâm đó là xu hướng lãi suất, ông dự báo năm 2018 lãi suất sẽ diễn biến như thế nào?

 - Trước hết phải nói lãi suất có một tham chiếu sâu sắc và quyết định đó là lạm phát. Trong 3, 4 năm trở lại đây chúng ta kiềm chế được lạm phát thấp, và đưa tăng trưởng cao. Nó thể hiện rõ nét ổn định kinh tế vĩ mô.

Dĩ nhiên mong muốn của chúng ta trong bối cảnh cạnh tranh nền kinh tế còn kém thì chi phí cho sản xuất là một yếu tố quan trọng. Chúng ta mong muốn giảm lãi suất nhưng không như mong đợi vì còn nhiều yếu tố  như nợ xấu hệ thống ngân hàng còn cao, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nên lãi suất khó giảm.

Song chúng ta cũng phải công tâm nói rằng lãi suất cho vay đã giảm và giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Sở dĩ lãi suất huy động không giảm nhiều là vì chúng ta đang có một nhu cầu vốn  lớn, nhất là khi thị trường bất động sản đã phục hồi hơn, chứng khoán tăng trưởng ngoạn mục. Lẽ ra tiền gửi vào tiết kiệm thì nay họ đầu tư vào bất động sản, chứng khoán…

Năm 2018, kinh tế thế giới có phục hồi rồi nhưng nếu nói vững chắc thì chưa hẳn nên các chính sách tiền tệ  tại các nước cũng dè dặt. Các nước tăng lãi suất nhưng chậm, mặt bằng lãi suất của thế giới có thể cao hơn năm 2017 nhưng không lớn lắm.

Việt Nam đã có kinh nghiệm trong 4 năm trở lại đây, như điều chỉnh giá viện phí, giáo dục, điện uyển chuyển, nhịp nhàng  không tạo cú sốc khiến lạm phát tăng cao. Tôi nghĩ rằng, năm 2018 có điều kiện giảm thêm lãi suất nhưng không nhiều. Lãi suất ổn định và giảm mức độ nhỏ.