Năm 2017, kinh tế châu Á khởi sắc bất ngờ

ANTD.VN - Năm 2017, thế giới nói chung và khu vực châu Á nói riêng sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi, đặc biệt đáng chú ý là mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc - hai cường quốc kinh tế hàng đầu hiện nay. Giới chuyên gia cho rằng, trong năm Đinh Dậu, mối quan hệ giữa “hai con gà trống đầu đàn” này sẽ quyết định liệu châu Á có thể cất cao “tiếng gáy” của mình để trở thành nhân tố tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới hay đánh mất những lợi thế lớn của mình. 

Năm 2017, Trung Quốc vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Á

Những dự báo ngắn hạn

Những dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức tín dụng quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, năm 2017 sẽ là một năm khởi sắc của khu vực châu Á, với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực sẽ tăng khoảng 5,3 -5,7%. Tuy nhiên, hiện có “quá nhiều mây đen trên bầu trời châu Á”. Một trong số những đám mây đó là sự suy giảm liên tục của Trung Quốc và ảnh hưởng của "Trumponomics" (chính sách kinh tế của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump), cùng lãi suất tăng cao ở Mỹ và hiệu ứng lan tỏa từ sự kiện nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). 

Tại nền kinh tế số 1 khu vực là Trung Quốc, giới phân tích cho rằng, mặc dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhưng các nhà lãnh đạo nước này sẽ giữ cho đầu tàu kinh tế khu vực đi đúng hướng trước khi kỳ họp Quốc hội thứ 19 diễn ra vào mùa thu năm nay. Điều này đã được phản ánh trong Hội nghị kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, với việc xây dựng một mục tiêu quan trọng cho năm 2017 là ổn định nền kinh tế bằng cách tập trung vào việc giải quyết những rủi ro tài chính chứ không tập trung giải quyết cải cách cơ cấu. Việc Trung Quốc tập trung vào sự ổn định ngắn hạn là tín hiệu tốt cho triển vọng tăng trưởng của châu Á và Trung Quốc trong năm 2017, mặc dù vẫn có một số nguy cơ dài hạn hơn. 

Tại Nhật Bản, một cường quốc kinh tế khác của khu vực, Thủ tướng Shinzo Abe có nhiều lý do để cảm ơn ông Trump vì nhờ chính sách kinh tế “phôi thai” của ông Trump mà đồng USD tăng và đồng yên giảm giá, giúp chứng khoán Nhật Bản tăng vọt và lợi nhuận xuất khẩu và tiền lương cũng tăng theo tỷ lệ thuận. Nhờ việc đồng yên liên tục mất giá, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo gần đây.

Theo Văn phòng Nội các, nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm tài khóa 2017 theo giá trị thực tế. Điểm bất lợi cho Nhật Bản là nguy cơ chịu ảnh hưởng từ việc ông Trump giữ đúng cam kết tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, bất kỳ sự bất ổn toàn cầu nào, chẳng hạn như căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, cũng có thể khiến các nhà đầu tư đẩy đồng yên lên cao hơn để tìm kiếm các tài sản ít rủi ro và sẽ làm suy yếu chính sách kinh tế Abenomics của ông Abe. 

Tại Ấn Độ, một nền kinh tế lớn khác của khu vực, quyết định gây sốc của Ấn Độ khi hủy bỏ 86% lượng tiền mặt lưu thông đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường đầu tư kinh doanh và nhu cầu tín dụng mà lẽ ra được dự báo sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2016. Các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng của nước này phải chịu đựng “cơn đau” ngắn hạn nhưng điều này có thể đem lại  lợi ích dài hạn như tăng trưởng trên diện rộng, cải thiện tài chính ngân hàng giúp tăng cường đầu tư tư nhân và chi tiêu cơ sở hạ tầng công nhờ doanh thu thuế được cải thiện. 

Mặc dù ADB điều chỉnh hạ tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2016 từ 7,6% xuống còn 7%, nhưng tăng trưởng GDP năm 2017 của Ấn Độ sẽ đạt 7,8%, giúp quốc gia châu Á này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Điểm bất lợi đối với cường quốc Nam Á này là rủi ro từ những cú sốc bên ngoài, bao gồm lãi suất của Mỹ tăng cao và suy thoái ở Trung Quốc. New Delhi cũng sẽ phải để mắt tới các vấn đề khu vực, coi đây là những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự cạnh tranh đang nóng lên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm cả Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan do Bắc Kinh đề xuất. 

Điểm sáng tăng trưởng kinh tế

Tại khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nhà phân tích kinh tế vẫn đưa ra dự báo lạc quan. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực lên 4,5% trong năm 2016 và khu vực này sẽ đạt tốc độ tương tự vào năm 2017.

Riêng đối với Việt Nam, giới chuyên gia kinh tế quốc tế dự báo Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng về tăng trưởng kinh tế tại Đông Nam Á nói riêng và ở cấp độ thế giới nói chung. Nhật báo "The Star Online" của Malaysia dự báo năm 2017, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới với khối lượng xuất khẩu hàng hóa tăng. Theo báo này, việc Việt Nam cấp phép thành lập các doanh nghiệp lớn như Samsung Electronics Co đã biến quốc gia Đông Nam Á này thành một trung tâm quốc tế xuất khẩu hàng điện tử.

Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo trong năm 2017, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tăng 6,3%. Ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Hongkong (Trung Quốc) dự báo, Việt Nam sẽ duy trì sự tăng trưởng mạnh trong vài năm tới, tăng thị phần xuất khẩu trên quy mô toàn cầu và sẽ thách thức Trung Quốc trong lĩnh vực này. Các công ty nước ngoài sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam để tận dụng lực lượng lao động giá rẻ và trình độ cao. Theo ông, Việt Nam "có triển vọng rất tươi sáng, và là một trong những nền kinh tế lớn nhất ở châu Á".

Với cái nhìn toàn cảnh, ông Anthony Fensom, một chuyên gia tư vấn về châu Á-Thái Bình Dương dự báo, sau những vất vả của năm “con khỉ”, khu vực châu Á sẽ có chút khởi sắc bất ngờ vào năm 2017 và “hai con gà trống đầu đàn” có thể tạo ra những khởi sắc ấy chính là Mỹ và Trung Quốc.