Năm 2016: Kỷ lục về số nhà báo bị bắt giữ

ANTD.VN - Trong năm 2016, số lượng các nhà báo trên thế giới thiệt mạng giảm nhưng họ vẫn phải đối mặt với nhiều mối đe dọa nguy hiểm, tờ DW (Đức) dẫn kết quả báo cáo của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) cho biết.

Chiến trường Syria là một trong những khu vực xung đột nguy hiểm nhất với giới phóng viên

74 nhà báo thiệt mạng, 348 nhà báo bị bắt giữ

Theo thống kê của RSF, ít nhất 74 nhà báo đã thiệt mạng hoặc mất tích trong năm 2016. Khoảng 2/3 số ca tử vong xảy ra tại các khu vực có xung đột hoặc ảnh hưởng của xung đột. Con số này giảm đáng kể so với 110 nhà báo thiệt mạng  trong năm 2015.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ số nhà báo thiệt mạng trong năm 2016 giảm là do các nhà báo đã ra khỏi các quốc gia được cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, những khu vực xung đột nguy hiểm nhất đối với các nhà báo phải kể đến là Syria Afghanistan, Mexico, Iraq và Yemen.

Mặc dù số nhà báo thiệt mạng giảm nhưng số nhà báo bị bắt giữ lại tăng kỷ lục. Cơ quan giám sát tự do báo chí cho biết, hiện nay, trên toàn thế giới có tổng cộng 348 nhà báo bị bắt giữ, tăng 6% so với năm ngoái.

Trong khi đó, Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) cho rằng, hiện có 259 nhà báo bị giam giữ trong tù trên toàn cầu, con số cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi, thống kê từ năm 1990. Theo RSF, hơn 50 nhà báo đang bị bắt giữ làm con tin, trong đó Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giam giữ 21 người. 

“Điểm nóng” Thổ Nhĩ Kỳ 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện được coi là quốc gia có hành động “mạnh tay” nhất thế giới với giới phóng viên và nhân viên truyền thông. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng các nhà báo bị bắt giữ đã tăng 22% kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính bất thành vào tháng 7-2016.

“Các cuộc đàn áp nhà báo trên thế giới đang phát triển với tốc độ gây sốc. Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt và bỏ tù rất nhiều nhà báo. Đây đã trở thành nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo và các nhân viên truyền thông”, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký RSF nói.

Theo CPJ, trong số các nhà báo bị giam giữ trên toàn cầu, ít nhất 81 người bị giam giữ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số chuyên gia tin rằng, con số này có thể là 140 người. Trong khoảng thời gian 2 tháng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng loạt phóng viên và đóng cửa ít nhất 100 hãng tin tức trên khắp đất nước.

Tất cả các biên tập viên, nhà văn, họa sĩ vẽ tranh biếm họa và nhiếp ảnh gia bị giam giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với tội chống Nhà nước. CPJ cho biết thêm, các nhà báo bị giam giữ không thể liên lạc được để tìm hiểu tình hình. 

Chính phủ nhiều nước phương Tây, các tổ chức nhân quyền và các chuyên gia pháp luật đã bày tỏ quan ngại về tình hình diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Các nhà báo làm việc để thu thập và chia sẻ thông tin cho xã hội.

Công việc và quyền lợi của họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế. Một số Chính phủ vi phạm các cam kết quốc tế bằng cách bỏ tù các nhà báo và ngăn chặn việc công bố thông tin quan trọng, trong đó đứng đầu là Thổ Nhĩ Kỳ”, Joel Simon, Giám đốc điều hành của CPJ nói.

Sau Thổ Nhĩ Kỳ, danh sách các quốc gia bị đánh giá là tồi tệ nhất với các nhà báo trong năm 2016 là Trung Quốc (với 38 nhà báo bị giam giữ), Ai Cập (25 nhà báo bị giam giữ).