Năm 2015: Truyện tranh Việt hứa hẹn “bùng nổ”

ANTĐ - “Lép vế ngay trên sân nhà”, đó là suy nghĩ của nhiều người khi nhận định về thị trường truyện tranh Việt Nam, nhiều năm qua vốn bị lấn át bởi truyện tranh của Nhật Bản, Trung Quốc… Tuy nhiên, sự đón nhận ngoài sức tưởng tượng của độc giả đối với những bộ truyện tranh Việt Nam cuối năm 2014 cho thấy một tia hy vọng cho truyện tranh trong nước. 

Năm 2015: Truyện tranh Việt hứa hẹn “bùng nổ” ảnh 1Những tác phẩm tạo nên “cơn sốt” cho truyện tranh Việt Nam 

Chấp nhận vẽ mà không có tiền

“Truyện tranh Việt từng có thời hoàng kim, một tác phẩm có thể in 20.000 - 30.000 bản chỉ riêng tại thị trường miền Bắc. Đó là con số mơ ước không chỉ đối với các tác giả, mà còn của những nhà làm sách nói chung”, đó là nhận định của ông Hoài Phương - đại diện nhà sách Phương Thu, nhà sách phân phối truyện tranh lớn nhất miền Bắc. Ông Phương cho rằng, chúng ta đang bước qua thời làm truyện tranh theo hướng tự phát, chỉ “chăm chăm” phát hành truyện tranh nước ngoài. Thực tế đã chứng minh, chúng ta đã có những bộ truyện hấp dẫn đủ sức lôi kéo độc giả, mà “Thần đồng đất Việt” năm 2004 là một bằng chứng thuyết phục. Tác phẩm này khi ra mắt đã tạo nên một “hiện tượng” trong ngành xuất bản.   

Ông Nguyễn Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Idea Productions - công ty hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất và sáng tác truyện tranh cho biết: “Chúng tôi mở nhiều lớp đào tạo vẽ truyện tranh, nhưng có người học đến mấy khóa vẫn không có một kịch bản hoàn chỉnh của riêng mình. Tôi cho rằng trước khi muốn trở thành họa sỹ triệu đô thì bạn phải chấp nhận “vẽ mà không có tiền”. Chia sẻ quan điểm này, họa sỹ Tạ Lan Hạnh - giải Nhất cuộc thi vẽ truyện tranh “Nét rồng thiêng” chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long cho biết, cái băn khoăn nhất của họa sỹ truyện tranh khi theo đuổi con đường này là “làm gì để kiếm sống”. Chị cho biết, bản thân đã phải qua khoảng thời gian 7 - 10 năm để đi từ luyện tập lên tới sáng tác chuyên nghiệp. Nhưng trong quá trình chờ xuất bản hoặc có một tác phẩm đúng nghĩa, rất nhiều họa sỹ trong đó có chị đã phải kiếm những công việc  khác như thiết kế, vẽ minh họa cho các ấn phẩm. Điều đó có thể thấy rằng, trước khi tìm thấy thành công với truyện tranh, họa sỹ cũng “dò đường”, đôi khi phải chấp nhận đi trên những con đường gian nan.  

Tin vào 

“Quy luật 10 năm”

Cần nhớ lại, thời điểm 1994-1995 là thời kỳ làm mưa làm gió của những bộ truyện tranh Nhật Bản với những cái tên quen thuộc như “Doremon”, “Bảy viên ngọc rồng” và “Thám tử lừng danh Conan”. Nhưng 10 năm sau, tháng 10-2004, khi Công ước Bern chính thức có hiệu lực tại Việt Nam, toàn bộ các tác phẩm văn học nghệ thuật nước ngoài, trong đó có truyện tranh không được phép xuất bản, lưu hành nếu không có bản quyền của tác giả.

Thời gian này hoạt động của các NXB lắng lại để lo cho xong vấn đề bản quyền. Nhưng cũng từ đây đã có sự bùng phát của truyện tranh Việt Nam với nhiều tác giả như Phong Dương Comics, B.R.O Group, Phan Kim Thanh… cùng sự nở rộ của các tạp chí truyện tranh thuần Việt. Nếu tính theo quy luật 10 năm này thì chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự khởi sắc của truyện tranh Việt. Nhất là cuối năm 2014 chứng kiến sự ra đời của hàng loạt truyện tranh Việt Nam tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng như “Nhật ký Mèo Mốc” (tác giả Mèo Mốc); “Chuyện tào lao của Vàng Vàng” (Phan Kim Thanh) hay “Long Thần Tướng” (Phong Dương Comics).

Những bộ truyện này đã tạo nên hiệu ứng đối với những người yêu mến truyện tranh. Trong số đó, sự thành công của Long Thần Tướng cho thấy tính khả thi của mô hình  “một họa sỹ + một biên kịch”. Chính bản thân Khánh Dương - tác giả của “Long Thần Tướng” cũng cho rằng, mô hình này đã trở nên phổ biến trên thế giới và đã chứng tỏ được hiệu quả rõ ràng. Giờ đây, sáng tạo truyện không chỉ là công việc đơn lẻ của một mình họa sỹ mà tiến đến chuyên nghiệp hơn, nhằm đưa đến cho tác phẩm thêm những tư duy, góc nhìn đột phá, mới mẻ. 

Khác với giai đoạn trước, khi truyện tranh ít có cơ hội được giới thiệu rộng rãi thì đến thời điểm này, các tác giả có nhiều phương tiện hơn để quảng bá tác phẩm của mình. Ngay khi vetruyen.com - kênh chia sẻ truyện tranh hàng đầu Việt Nam tuyên bố sẽ đóng cửa vào tháng 3-2015, thì người sáng tác đã có ngay một sân chơi mới khi comicola.com - một cộng đồng truyện tranh mang tính chuyên nghiệp cao hơn ra đời. Không chỉ là kênh quảng bá truyện tranh có bản quyền với hệ thống xếp hạng, phân loại, đây còn là địa chỉ để các tác giả tìm được sự hỗ trợ về chi phí để quảng cáo, gây quỹ cho tác phẩm của mình. Với một cách thức truyền thông như vậy, cùng tâm huyết của các cây bút tài năng, chúng ta có thể tin tưởng đây sẽ là đà để truyện tranh Việt cất cánh.