Năm 2014, còn áp lực lên lạm phát

ANTĐ - Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2014 lạm phát tiềm ẩn nhiều khả năng tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2013, cùng với đó là tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi.
Năm 2014, còn áp lực lên lạm phát  ảnh 1
Cần tiếp tục các biện pháp bình ổn giá để tránh lạm phát trở lại trong năm 2014
Ảnh: PHÚ KHÁNH


Không được chủ quan

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 12-2013 tăng 6,04% so với tháng 12-2012. Đây là mức tăng thấp nhất ở Việt Nam trong 10 năm qua (2004 - 2013). Ông Phạm Minh Thụy - Viện kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính) đánh giá, diễn biến giá cả trong năm 2013 cho thấy CPI đã phá vỡ xu hướng biến động giá có tính quy luật là “hai năm nhanh, một năm chậm” đã hình thành ở nước ta trong 9 năm trước đó (2004 --2012).

“Điều này thể hiện sự điều hành, can thiệp vào thị trường, giá cả ở Việt Nam của Chính phủ đã chủ động, có liều lượng và bài bản hơn, do vậy giá cả không còn “nhảy múa”. Sự biến động của CPI giữa các tháng trong năm 2013 cũng không đột ngột, chênh lệch quá nhiều như những năm trước”, ông Phạm Minh Thụy phân tích. 

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại cho rằng, sự ổn định của thị trường giá cả năm 2013 vẫn chưa thực sự vững chắc do chủ yếu chịu sự chi phối của tổng cầu thấp, cả đầu tư và tiêu dùng bên cạnh niềm tin kinh doanh và niềm tin tiêu dùng tuy được phục hồi nhưng vẫn còn thấp. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Lạm phát không còn là mối lo ngại lớn, không phải là con ngựa bất kham. Năm 2014, những khó khăn, thách thức của nền kinh tế về cơ bản vẫn còn, kinh tế thế giới dự báo có nhiều khó khăn. Mặc dù CPI đang trong tầm kiểm soát, sức mua yếu nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng giá”. 

TS. Vũ Đình Ánh nhận định, sang năm 2014, nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường và cố gắng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể buộc dòng tiền vận động nhanh hơn với quy mô lớn hơn khiến áp lực lạm phát tăng lên.

Dự báo về tình hình giá cả, thị trường trong năm 2014, Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng trong năm tới, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp trong năm 2013 sẽ tiếp tục phát huy tác dụng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, năm 2014 cũng tiềm ẩn nhiều khả năng lạm phát tăng cao do tác động theo độ trễ của những chính sách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh năm 2013. Thêm vào đó, tình hình thiên tai, bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và việc tiếp tục thực hiện chủ trương điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước với một số hàng hóa, dịch vụ như điện, than, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí... cũng là những yếu tố có tác động mạnh tới giá cả.

Giá nhiều mặt hàng vẫn gây bức xúc 

Liên quan tới việc điều hành giá một số mặt hàng trong năm 2013, TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng vẫn có một vài vấn đề cần rút kinh nghiệm. “Đối với giá xăng dầu, trong năm 2013 đã có 11 lần điều chỉnh, có thể coi biến động giá xăng dầu đã theo sát diễn biến thị trường hơn. Tuy nhiên, tình trạng không ăn khớp với biến động giá thế giới tại mỗi lần điều chỉnh giá và tình trạng “giảm ít, tăng nhiều” không vì thế mà được giảm bớt. Bên cạnh đó, Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu cũng chưa toát lên mong muốn giảm bớt sự can thiệp của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong việc định giá xăng dầu”, TS. Nguyễn Thị Hiền chỉ rõ. 

Đối với giá điện, TS. Nguyễn Thị Hiền chỉ ra: “Không phải người tiêu dùng  không thông cảm với khó khăn của ngành điện do thời gian giá điện bao cấp đã kéo quá dài và cũng không phải họ không chấp nhận việc tăng giá điện. Mong muốn của người tiêu dùng là thực hiện công khai, minh bạch và có sự kiểm toán nghiêm túc trong hạch toán giá điện”. 

TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ: “Thực hiện cơ chế giá cả và cạnh tranh thị trường cho các doanh nghiệp trở thành định hướng chung, nhất quán của nhà nước theo yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, chỉ có được giá thị trường khi có sự liên thông trực tiếp, cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát cạnh tranh thị trường lành mạnh. Nếu trước khi có cạnh tranh thị trường mà cho phép các doanh nghiệp tự định giá là tạo cơ hội cho tăng giá độc quyền. Hơn nữa, việc thiếu minh bạch và thông tin giải trình về tăng giá, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư còn nhiều khoảng trống dễ làm tăng hiện tượng giá cả bị bóp méo”.