Myanmar: Chợ đen biến phụ nữ thành nô lệ thời hiện đại

ANTĐ - Bất chấp lệnh cấm của Chính phủ, nhiều cô gái trẻ ở Myanmar vẫn tìm mọi cách để ra nước ngoài làm giúp việc, bởi đó là giải pháp duy nhất để thoát nghèo và là sự hy sinh cần thiết vì gia đình. 

Hành trình rủi ro và nguy hiểm 

Van Biak (15 tuổi) và chị gái Van Hnem (18 tuổi) quyết định rời bỏ ngôi làng xa xôi ở bang Chin - khu vực nghèo nhất Myanmar với 73% dân số sống dưới mức nghèo khổ để đến Singapore tìm việc làm. Hai cô gái hoàn toàn nhận thức được những rủi ro có thể gặp phải ở nơi đất khách quê người nhưng vì cuộc sống nên vẫn chấp nhận ra đi. Tuy nhiên, chỉ sau đúng hai tuần, Van Biak và Van Hnem đã phải quay trở lại ngôi làng của mình.

“Tôi sẵn sàng làm việc chăm chỉ và chấp nhận khó khăn ở nước ngoài nếu có thể giúp đỡ gia đình” - Van Hnem cho biết - “Công việc giúp việc ở Singapore có mức lương rất hấp dẫn, 370 USD/tháng, cao gấp nhiều lần mức lương phổ biến ở Myanmar là 67 USD/tháng”. Với thu nhập như vậy, dẫu biết có nhiều cạm bẫy nhưng các bậc phụ huynh vẫn phải nhắm mắt để con mình đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. “Tôi rất sợ con gái mình sẽ bị sử dụng như là nô lệ thời hiện đại”, mẹ của Van Biak và Van Hnem cho biết. 

Một trường hợp điển hình khác là Sian Men Mawi (26 tuổi), làm giúp việc ở Singapore một thời gian ngắn trước khi đến Quảng Châu, Trung Quốc làm việc vì được hứa hẹn công việc có thu nhập hấp dẫn hơn. “Tôi đến Trung Quốc bằng một thị thực du lịch. Thực tế tôi đã bị bắt làm “nô lệ”, bị nhốt trong nhà và buộc phải làm nhiều công việc khác nhau. Tôi không được nhận lương trong thời gian dài”, Sian nói. Không chịu nổi, Sian Men Mawi đã may mắn trốn thoát và trở lại Myanmar trong cuộc hành trình vất vả và đầy nguy hiểm.

Khó khăn trong việc kiểm soát

Trước làn sóng phụ nữ, điển hình là các cô gái trẻ ra nước ngoài làm việc tăng mạnh, chính quyền Myanmar đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với phụ nữ ra nước ngoài làm giúp việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lệnh cấm không chỉ thất bại trong việc ngăn cản phụ nữ Myanmar ra nước ngoài làm việc mà còn dẫn đến một thị trường chợ đen đưa người ra nước ngoài trái phép.

Theo khảo sát của Tổ chức Nhân đạo di dân kinh tế (Home), kể từ khi lệnh cấm được thực thi, lệ phí mà người lao động phải trả cho các “cò” để có thể ra nước ngoài làm việc đã tăng lên đáng kể. Người lao động không được nhận tiền lương cho đến khi khoản nợ lệ phí này được trả hết. Hơn nữa, nếu rời khỏi đất nước dưới danh nghĩa khách du lịch, người lao động không được pháp luật về lao động và di cư bảo vệ.

Jolovan Wham, Giám đốc điều hành của Home cho biết: “Hiện nay, số lượng người giúp việc mang quốc tịch Myanmar tại Singapore là 30.000 người, tăng 50% kể từ giữa năm 2013 và năm 2015. Đó là bằng chứng cho thấy, lệnh cấm không hiệu quả. Người sử dụng lao động Singapore thích người giúp việc Myanmar vì giá cả phải chăng”.

Jolovan Wham cho biết thêm, việc giám sát người lao động trong nước qua biên giới Myanmar gặp nhiều khó khăn vì các cơ quan tuyển dụng lớn đã được thay thế bởi những kẻ buôn người, hoạt động nhỏ lẻ. “Việc theo dõi, giám sát các cô gái từ bang Chin và Kayin ra nước ngoài vô cùng khó khăn bởi hiện nay lực lượng cảnh sát chống buôn người không có trụ sở tại Chin. Theo số liệu ghi nhận chính thức, trong năm 2015 đã có 130 vụ đưa phụ nữ ra nước ngoài làm việc trái phép với tổng số 641 nạn nhân”, Jolovan Wham nói. 

Cơ quan tuyển dụng nhân sự lao động làm việc ở nước ngoài của Myanmar (MOEAF) cho biết, tổ chức này đã có nhiều nỗ lực trong việc giúp đỡ phụ nữ Myanmar ra nước ngoài làm giúp việc. Trong năm 2015, MOEAF đã ký biên bản ghi nhớ với 12 cơ quan tuyển dụng Hồng Kông, Trung Quốc.

“Thỏa thuận này sẽ giúp ích cho các lao động nữ. Chúng ta có thể đảm bảo quyền, lợi ích của họ, cung cấp, hỗ trợ thông tin cho bất cứ ai gặp rắc rối trong công việc” - Win Tun, một quan chức của MOEAF cho biết - “MOEAF cũng đang tích cực vận động Chính phủ xem xét dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ ra nước ngoài làm giúp việc. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi động thái chính thức từ Chính phủ, hàng nghìn phụ nữ ở Myanmar vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm việc làm ở nước ngoài thông qua kênh tuyển dụng bất hợp pháp, đặt mình vào nguy cơ trở thành nô lệ thời hiện đại”.