Mỹ xúi châu Âu cấm vận, còn mình “đi đêm” hưởng lợi từ Nga

ANTĐ - Ngày 3-6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, Nga và Hoa Kỳ “dần trở lại quan hệ bình thường”, vậy còn châu Âu thì sao?

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Moscow và Washington hiện “đang dần ấm lên”, sau những căng thẳng do cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine. Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov được đưa ra trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình Mỹ Bloomberg.

Nhận định này của ông được chứng minh sau đó bằng bài viết của tạp chí Spiegel - Đức, đề cập đến vấn đề Washington xúi bẩy EU cấm vận Nga, khiến giới kinh doanh châu Âu chịu nhiều thiệt hại, trong khi đó Hoa Kỳ lại “lén lút” giao thương với nước này, bất chấp lệnh trừng phạt do chính họ áp đặt.

Các nhà báo của Spiegel dẫn vụ Mỹ ép Pháp chịu thiệt hại hàng tỷ USD trong vụ hủy bỏ hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng Mistral, vốn được ký kết trước khi cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine nổ ra, trong khi lại “đi đêm”, ký kết hàng loạt hợp đồng với doanh nghiệp Nga.

"Người Mỹ gây áp lực gay gắt với châu Âu, đòi hỏi những biện pháp trừng phạt thật cứng rắn. Trong khi bản thân họ đã mở rộng thương mại với Nga trong năm vừa qua" - ông Frank Schauff, giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB) ở Moscow nêu thắc mắc.

Động cơ RD-180 của Nga tiếp tục được sử dụng trong tên lửa đẩy vũ trụ Antares của Mỹ

"Nếu việc bắt tay với Nga mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ thì Washington sẽ tạm dừng chiến tranh lạnh mới hoặc tìm cách ‘lách luật’ để bắt tay với Moscow" - bài báo của Spiegel nhận xét và lấy ví dụ Công ty Bell của Texas vừa ký kết hợp đồng với nhà máy hàng không dân dụng Ekaterinburg ở Ural.
Doanh nghiệp Nga thuộc tập đoàn Rostec do ông Sergei Chemezov lãnh đạo, một trong những nhân vật tin cậy nhất của ông Putin. Chemezov và hãng Rostec có tên trong danh sách các đối tượng bị Hoa Kỳ trừng phạt. Nhưng nhà sản xuất máy bay trực thăng Bell của Mỹ dường như không bận tâm về điều này.

Trước đó hồi cuối năm 2014, Tập đoàn hàng không Boeing của Mỹ và nhà sản xuất titan Avisma (Nga) quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng hợp tác tới năm 2022.

Tháng 1 năm nay, Tổ hợp chế tạo Energomash và Tập đoàn tên lửa-vũ trụ hợp nhất (URKC) của Nga đã ký với nhà chế tạo thiết bị vũ trụ và tên lửa đẩy Orbital Sciences của Mỹ hợp đồng sản xuất 60 động cơ RD-180 cho tên lửa đẩy vũ trụ Antares. 2 bên còn dự định hợp tác trong vòng 15-20 năm nữa.

Spiegel cho rằng, hiện các doanh nghiệp lớn của Đức đang phải chịu "áp lực kép", một mặt là các biện pháp trừng phạt do EU thực hiện, mặt khác là việc Nga tái định hướng về phía đông, quay sang bắt tay với các doanh nghiệp châu Á ở Ấn Độ, Trung Quốc.

Trong một thương vụ mới nhất, Spiegel dẫn nguồn tin từ đại diện hãng Siemens phản ánh, hợp đồng vừa ký giữa Nga và Trung Quốc thi công đường cao tốc Moscow-Kazan trước khi xảy ra xung đột Ukraine nhiều phần thuộc về người Đức, nhưng giờ đây đối với họ đó chỉ còn là "giấc mơ".