Mỹ và Trung Quốc đều tỏ rõ sự cứng rắn, "ăn miếng trả miếng" trong đối đầu thương mại

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 3-8 đã tỏ rõ chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc, khi khẳng định rằng các loại thuế mà ông áp đặt đang mang lại hàng tỷ USD cho nước Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố “không ngại đối đầu với Mỹ”.

Mỹ và Trung Quốc đều tỏ rõ sự cứng rắn, "ăn miếng trả miếng" trong đối đầu thương mại ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump “giải mã” toan tính của Trung Quốc

“Mọi việc đều đang diễn ra rất tốt đẹp với Trung Quốc. Họ đang trả chúng ta hàng chục tỷ USD, việc này khả thi nhờ sự mất giá đồng tiền của họ cũng như việc bơm một lượng lớn tiền mặt để duy trì hệ thống của họ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter.

Trước đó, trong bài viết trên Twitter ngày 1-8, ông Trump tuyên bố từ ngày 1-9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung khoảng 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế và đánh dấu một sự kết thúc đối với giai đoạn đình chiến tạm thời trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước.

Người đứng đầu Nhà Trắng đồng thời chỉ trích Trung Quốc vì đã không mua thêm các sản phẩm nông nghiệp Mỹ như đã hứa và đã không làm nhiều hơn để ngăn chặn việc bán thuốc giảm đau chứa chất gây nghiện fentatyl sang Mỹ. “Chúng tôi nghĩ rằng đã đạt thỏa thuận với Trung Quốc ba tháng trước, nhưng thật đáng buồn, Trung Quốc quyết định đàm phán lại thỏa thuận ngay trước khi ký kết”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.

Thông báo trên được đưa ra sau khi các quan chức Mỹ và Trung Quốc kết thúc 2 ngày đàm phán thương mại tại Thượng Hải nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến thuế quan, song không đạt tiến triển. Hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau tại Mỹ vào tháng 9 tới.

Động thái dọa đánh thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc phần nào cho thấy Tổng thống Trump đang sốt sắng phá vỡ thế bế tắc với một Bắc Kinh đang ngày càng tỏ rõ thái độ cứng rắn hơn trong đàm phán. Chính phủ Mỹ nhận thấy Trung Quốc đang quay trở lại chiến lược mà nước này từng sử dụng hiệu quả là chờ đợi sự thay đổi trong chính quyền ở Mỹ khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. “Họ trông đợi một Tổng thống Mỹ mới trong một năm rưỡi nữa để họ có thể tiếp tục lừa gạt thương mại đối với Mỹ, giống như họ đã làm trong suốt 25 năm qua. Họ muốn nhìn thấy một người mơ ngủ giống như Joe Biden (ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ) lên làm Tổng thống Mỹ”, ông Trump đưa ra nhận định. Tổng thống Mỹ cảnh báo khi ông tái đắc cử, thỏa thuận Trung Quốc đạt được sẽ khó khăn hơn nhiều, hoặc sẽ không có thỏa thuận nào nữa.

Trung Quốc sẽ đáp trả thế nào?

Trong khi đó, Người phát ngôn  Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 2-8 tuyên bố: “Trung Quốc sẽ phải sử dụng nhiều biện pháp đối phó nếu Mỹ quyết tâm áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc. Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại, nhưng cũng không ngại đối đầu với Mỹ trong một cuộc chiến như vậy”.

Nhóm phân tích của Citi cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chiến lược chờ đợi, thay vì đáp ứng yêu cầu của Washington. Chuyên gia kinh tế học tại Ngân hàng ING, Iris Pang, nhận định Trung Quốc có thể muốn kéo dài cuộc chiến thuế quan với Mỹ, bởi một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ không thể giúp Tổng thống Trump có cơ hội thắng cử vào năm 2020. “Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này là làm giảm tốc độ đàm phán và đáp trả theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Hành động này có thể kéo dài quá trình trả đũa cho tới tận đợt bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới”, bà Pang cho biết.

Theo ông Timothy Moe, Trưởng phòng chiến lược chứng khoán châu Á Thái Bình Dương tại Goldman Sachs, động thái của ông Trump sẽ buộc Bắc Kinh phải tăng cường kích thích tài chính để bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro sắp tới. “Chúng tôi cho rằng một trong những hành động mà Trung Quốc có thể làm là tiếp tục kích thích kinh tế nội địa. Thế giới bên ngoài đang suy yếu và tình hình tồi tệ hơn vì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Vì vậy, để giảm bớt những tác động tiêu cực từ bên ngoài, họ cần phải đầu tư hoặc hoạt động tương ứng để hỗ trợ nhu cầu trong nước”, ông Moe trả lời CNBC. Trên thực tế, Bắc Kinh đã ban hành loạt biện pháp kích thích như nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm thuế để hỗ trợ nền kinh tế.

Trung Quốc hiện vẫn chưa có động thái trả đũa nào giống như trước đây. Tuy nhiên, những tháng gần đây, Trung Quốc bóng gió về khả năng hạn chế xuất khẩu đất hiếm - nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ Mỹ - và đang lập danh sách các công ty “không đáng tin cậy”, có thể nhằm vào giới doanh nghiệp Mỹ. Theo Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả hai nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.