- Quan chức Nga - Trung Quốc thảo luận về Mỹ và vấn đề an ninh
- Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Nga điện đàm, thảo luận về Ukraine
Cuộc trao đổi giữa nguyên thủ Nga - Mỹ
Trao đổi với báo chí trên chiếc Không lực Một ngày 8-2, Tổng thống Donald Trump thừa nhận, đã liên lạc với Tổng thống Vladimir Putin. Đây không chỉ là cuộc thảo luận chính thức đầu tiên với người đồng cấp Nga sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1 vừa qua mà còn là trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin và một Tổng thống Mỹ kể từ đầu năm 2022, thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
![]() |
Tổng thống Donald Trump và Valdimir Putin trong một cuộc gặp hồi tháng 6-2018 |
Tuy nhiên, theo báo chí, Tổng thống Donald Trump đã từ chối cung cấp chi tiết về bất kỳ thông tin nào mà ông đã trao đổi với Tổng thống Vladimir Putin. Vị tân chủ nhân của Nhà Trắng chỉ nói thêm, ông mong đợi “sẽ có nhiều cuộc trò chuyện hơn nữa” với người đồng cấp Nga cũng như “chúng ta phải kết thúc cuộc xung đột này (cuộc xung đột tại Ukraine), đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “đang đạt được tiến bộ” cũng như “chúng tôi muốn chấm dứt cuộc xung đột Ukraine - Nga”.
Điều khá ngạc nhiên là cả Điện Kremlin và Nhà Trắng lại đều chưa xác nhận thông tin mà báo chí đăng tải ngày 8-2 về việc Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về việc chấm dứt xung đột ở Ukraine. Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày 8-2, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông “không thể xác nhận cũng như phủ nhận” thông tin về các cuộc tiếp xúc giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ về vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng chưa đưa ra bình luận nào về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga.
Cho dù cả Mỹ và Nga đều chưa muốn thông tin chi tiết về cuộc thảo luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống hai nước sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Thế nhưng, những thông tin về cuộc trao đổi cũng là một tín hiệu rằng, quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này sẽ được “cài đặt” lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump. Bản thân Tổng thống Donald Trump sau khi chính thức nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20-1 đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Có thể nói, quan hệ Mỹ - Nga đã xuống tới mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Trong phát biểu đưa ra vào những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ “gần như bằng 0” và vấn đề giảm thiểu rủi ro xung đột vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.
Mối quan hệ giữa Nga và Mỹ vốn đi xuống kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, càng xuống thấp hơn sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine tháng 2-2022. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngay sau đó không chỉ dẫn đầu liên minh phương Tây hậu thuẫn, viện trợ tối đa cho Ukraine mà còn liên tiếp gia tăng các đòn trừng phạt nhằm “bóp nghẹt” nước Nga.
Các mối quan hệ chính thức giữa Mỹ và Nga hầu như “đóng băng” suốt gần 3 năm qua. Không chỉ hai ông Joe Biden mà các quan chức cấp cao cấp cao của hai bên không có bất cứ một cuộc gặp gỡ trực tiếp chính thức nào. Chính quyền Tổng thống Joe Biden không tham dự, tẩy chay bất cứ một hội nghị quốc tế nào có sự tham dự của quan chức cấp cao Nga. Con số “gần như bằng 0” mà Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov mô tả Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết rõ hơn là “Nga và Mỹ hiện chỉ liên lạc kỹ thuật, chứ không phải một cuộc đối thoại chính trị thực sự” trong gần 3 năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.
“Thuốc thử” liều cao cuộc xung đột tại Ukraine
Ông Donald Trump ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021) cũng như suốt quá trình tranh cử, đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai và từ khi chính thức nhậm chức tới nay, lại có quan điểm khác với người tiền nhiệm trong quan hệ với Nga. Vị tân Tổng thống Mỹ không ít lần lên tiếng phê phán trực diện chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, đặc biệt là chính sách đối với Ukraine cũng cách thức xử lý cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của mình, ông Donald Trump thường gây căng thẳng, áp lực từ các đồng minh ở châu Âu đến đối thủ Trung Quốc, song lại thường có những lời lẽ, cách ứng xử mềm mỏng hơn với Nga và nhất là Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 9-2024, với tư cách là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại New York, ông Donald Trump đã không ngần ngại khẳng định mình có mối quan hệ tốt với nhà lãnh đạo Nga khi nói rằng: “Hai chúng tôi có mối quan hệ rất tốt, và tôi cũng có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin”.
Ông Donald Trump từng nổi tiếng với tuyên bố lúc tranh cử là sẽ “chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ”, cho biết sẽ tập trung ưu tiên để giải quyết hai cuộc xung đột quy mô lớn tại Ukraine và Trung Đông vốn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai này sẽ ưu tiên có những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để ngăn không có các cuộc cuộc xung đột tại Trung Đông cũng như Ukraine ảnh hưởng tới môi trường cho sự phát triển kinh tế Mỹ theo đúng như quan điểm xuyên suốt “Nước Mỹ trên hết”.
Với quan điểm thực dụng “Nước Mỹ trên hết”, giới quan sát cho rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ được “cài đặt” lại trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của vị tỷ phú. Tuy nhiên, mối quan hệ này sẽ phụ thuộc trước hết vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, hay nói chính xác hơn là chấm dứt cuộc chiến khốc liệt, gây tổn thất nặng nề cho cả hai phía Nga và Ukraine trong gần 3 năm qua.
Tổng thống Donald Trump đã có những tuyên bố và hành động có thể khiến phía Nga đồng tình trong việc giải quyết cuộc xung đột Ukraine như tỏ ra không hài lòng về việc chính quyền tiền nhiệm đã chi hàng trăm tỷ USD “miễn phí” cho Ukraine… Mới đây nhất, ông Donald Trump đã lên tiếng phê phán quyết định kéo Ukraine lại gần liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của ông Joe Biden, cho rằng điều này vi phạm nguyên tắc “bất di bất dịch” của Nga và buộc nước này tấn công Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngay sau đó đã lên tiếng khen ngợi phát ngôn trên của vị tân chủ nhân Nhà Trắng. Ông Sergei Lavrov khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của ông Donld Trump rằng việc kéo Ukraine về NATO là sai lầm”.
Thế nhưng, tuyên bố trên của Tổng thống Donald Trump hoàn toàn không đồng nghĩa với việc sẽ nghiêng về phía Nga gây áp lực để Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy phải đàm phán, nhượng bộ phía Nga. Ông Donald Trump rõ ràng muốn giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine theo cách thức của mình, nói thẳng ra là vì lợi ích trước hết của Mỹ. Tân Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng, ông sẽ dùng các biện pháp kinh tế, đòn trừng phạt để gây áp lực nếu phía Nga không ngồi lại đàm phán, và chấp nhận giải quyết cuộc xung đột với Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin cho tới nay vẫn tỏ ra nhất quán với lập trường chỉ đồng ý chấm dứt cuộc xung đột trong một giải pháp tổng thể, lâu dài là loại trừ hoàn toàn mối đe dọa an ninh từ phía Ukraine mà điều kiện tiên quyết là quốc gia này không được trở thành thành viên NATO, phải là một quốc gia trung lập với một lực lượng quân đội hạn chế.
Mối quan hệ Mỹ - Nga vì thế trước hết phải vượt qua “thuốc thử” liều cao - cuộc xung đột tại Ukraine. Cách thức giải quyết, chấm dứt cuộc xung đột này sẽ phần nào cho thấy, quan hệ Mỹ - Nga sẽ được “cài đặt” như thế nào dưới thời Donald Trump 2.0.