Mỹ và Iran tiếp tục đe dọa lẫn nhau

ANTD.VN - Căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục gia tăng khi cả hai bên tiếp tục đưa ra những lời đe dọa lẫn nhau sau cái chết của Thiếu tướng Qassem Soleimani.

Màn bút chiến giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Iran tiếp tục diễn ra trên trang mạng xã hội sau cái chết của Tổng tư lệnh lữ đoàn đặc nhiệm Quds Qassem Soleimani trong một vụ không kích do đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh thực hiện.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

Hai bên liên tục đe dọa sử dụng vũ lực để thực hiện các đòn đáp trả lẫn nhau. Mới đây nhất, trên trang mạng xã hội, ông chủ Nhà Trắng đã nghiêm khắc cảnh cáo và tuyên bố đưa 52 mục tiêu cấp cao và văn hóa của Iran vào danh sách tiêu diệt nếu nếu Tehran tấn công bất kỳ công dân hay tài sản nào của Washington để báo thù cho cái chết của Tướng Soleimani.

Con số 52 được Tổng thống Mỹ lựa chọn là con số gợi nhắc đến vụ việc 52 nhà ngoại giao Mỹ bị Iran bắt giữ làm con tin suốt 444 ngày vào năm 1979. Thời điểm đó, Mỹ và Iran đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao và Washington cũng bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Mỹ và Iran tiếp tục đe dọa lẫn nhau ảnh 2

52 người bị bắt làm con tin ngày 4-11-1979, sau khi một nhóm sinh viên Iran chiếm đại sứ quán Mỹ tại Tehran. Cuộc khủng hoảng kéo dài 444 ngày mới kết thúc, gây ra xung đột nghiêm trọng về chính trị và ngoại giao giữa hai nước.

Đáp trả lại lời đe dọa của ông Trump, ngày 6-1-2020, Tổng thống Hassan Rouhani với giọng điệu đanh thép, cũng đã đăng tải trên trang mạng xã hội của mình dòng viết: 

“Những người nhắc đến con số 52 cũng nên nhớ đến con số 290. IR655. Đừng bao giờ đe dọa đất nước Iran”.

Con số 290 được Tổng thống Rouhani đề cập tới là số người Iran thiệt mạng khi máy bay mang số hiệu IR655 của hãng hàng không Iran Air bị tên lửa đất đối không, phóng ra từ một tầu tuần dương mẫu hạm có tên lửa dẫn đường USS Vincennes của Hải quân Mỹ bắn rơi vào ngày 3-7-1988.

Bất chấp những lời giải thích của chính phủ Mỹ, rằng do thủy thủ đoàn trên tàu USS Vincennes đã nhận lầm máy bay Airbus A300 của Iran là tiêm kích F-14 Tomcat - một loại máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất được Không quân Iran sử dụng từ thập niên 1970 và do máy bay Iran đã không đáp trả tín hiệu cảnh báo, phía Iran vẫn cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm vì sai lầm nghiêm trọng này. Hành vi bất cẩn của hải quân Mỹ đã dẫn tới cái chết của toàn bộ 290 hành khách đi trên chuyến bay hôm đó. Tehran khẳng định chiếc Airbus A300 đã phát tín hiệu để nhận dạng là máy bay dân sự.

Mỹ và Iran tiếp tục đe dọa lẫn nhau ảnh 3

Tang lễ những nạn nhân trên chuyến bay của Iran Air năm 1988

Mặc dù chưa bao giờ nhận lỗi hay chính thức xin lỗi Iran về thảm kịch này, song Mỹ đã chi gần 62 triệu USD bồi thường cho người thân của các nạn nhân trong gần 1 thập niên sau đó.