Mỹ và đồng minh căng thẳng vì vụ nghe lén

ANTĐ - Áo đã triệu Đại sứ Mỹ tại nước này để yêu cầu giải thích về những thông tin cáo buộc Washington nghe lén các văn phòng và đại sứ quán các nước châu Âu. 

Snowden được cho là đang lẩn trốn tại khu vực quá cảnh thuộc sân bay ở Matxcơva

Theo hãng thông tấn APA, trong cuộc gặp Đại sứ Mỹ William Eacho hôm 1-7, Ngoại trưởng Áo Michael Spindelegger bày tỏ quan ngại của nước này về vụ bê bối nghe lén có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu và Mỹ, đồng thời yêu cầu Mỹ nhanh chóng làm rõ. Đại sứ William Eacho hứa sẽ chuyển những quan ngại của Vienna tới “cơ quan chức năng có liên quan”. Tại Đức, Đại sứ Mỹ cũng được “mời đến” giải thích vụ việc.

Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ sự giận dữ sau khi tờ “Tấm gương” của Đức đưa tin, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bí mật theo dõi các phái bộ ngoại giao EU. Họ cảnh báo vụ bê bối này có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng chính trị “nghiêm trọng”. Trước phản ứng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng tất cả các cơ quan tình báo trên thế giới, trong đó có cả Liên minh châu Âu (EU), thường tìm kiếm thêm thông tin chi tiết ngoài những gì vẫn được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. 

Theo trang mạng Wikileaks, cựu nhân viên CIA Edward Snowden, 29 tuổi được cho là đã gửi đơn xin tị nạn tới 21 quốc gia, nhưng mới chỉ có Venezuela và Bolivia ngỏ ý sẵn sàng cho Snowden tị nạn, dù chưa chính thức. Trong khi đó, Ấn Độ đã lên tiếng bác bỏ đề nghị xin tị nạn của Snowden còn Điện Kremlin cho biết, Snowden đã từ bỏ ý định xin tị nạn tại Nga, dù anh này được cho là vẫn đang lẩn trốn tại khu vực quá cảnh thuộc sân bay ở Matxcơva. 8 nước châu Âu khác trong đó có Tây Ban Nha và Đức yêu cầu người xin tị nạn phải có mặt trên lãnh thổ của họ. 

Trước đó, Snowden đã cáo buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama “gây sức ép lên các nhà lãnh đạo” của những nước mà anh này tìm kiếm sự bảo vệ. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của Snowden kể từ khi rời khỏi Hồng Kông.