Mỹ và các đồng minh lục đục do bê bối nghe lén

ANTĐ - Căng thẳng đang tiếp tục dâng cao giữa Mỹ với các nước đồng minh thân cận từ châu Âu sang châu Mỹ liên quan đến vụ bê bối nghe lén điện thoại của hệ thống tình báo Mỹ. Tranh cãi lại bùng phát khi Washington bị cáo buộc không chỉ theo dõi bất hợp pháp e-mail và điện thoại của lãnh đạo Pháp và Mexico mà cả Đức và Brazil cũng bày tỏ bất bình. 

Quan hệ giữa Mỹ và Pháp đang đứng trước sóng gió sau khi tờ Le Monde (Pháp) dẫn thông tin này từ các tài liệu mật của Chính phủ Mỹ, được Edward Snowden, cựu nhân viên CIA, từng làm việc cho Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), tiết lộ rằng NSA đã bí mật nghe lén các cuộc gọi, lưu lại các tin nhắn điện thoại của 70,3 triệu người dân ở Pháp trong thời gian từ 10-12-2012 đến     8-1-2013. Theo Le Monde, NSA không chỉ nghe lén cuộc gọi của những đối tượng tình nghi liên quan đến khủng bố, mà còn cả các cuộc đàm thoại của các nhân vật tiếng tăm trên thương trường và chính trường Pháp. Tờ báo cũng cho rằng Pháp nằm trong “nhóm thứ ba” các nước bị Mỹ theo dõi, cùng với Đức, Ba Lan, Áo và Bỉ. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải đích thân gọi điện cho người đồng cấp Pháp Francois Hollande về vụ nghe lén điện thoại đang làm Paris nổi giận. Tuy  nhiên, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tỏ ra hết sức bất bình trong cuộc đàm thoại khi cho rằng các hoạt động theo dõi như vậy là không thể chấp nhận. 

Trước những cáo buộc và phản ứng tức giận của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Mỹ đã tìm cách xoa dịu căng thẳng và biện hộ cho hành động do thám trên diện rộng của mình. Trong khi vụ bối do thám của tình báo Mỹ vẫn chưa hạ nhiệt thì tờ báo Mỹ The Wall Street Journal cho biết mạng lưới giám sát của NSA có khả năng kiểm soát được khoảng 75% thông tin Internet của Mỹ trong quá trình săn tin tình báo nước ngoài. Còn theo các cuộc điều tra Top Secret America của tờ Washington Post, hiện nay mỗi ngày NSA chặn hơn 1 tỷ thư điện tử, cuộc gọi điện thoại và các dạng liên lạc khác và lưu giữ lượng dữ liệu khổng lồ này ở kho siêu máy tính của mình. 

Washington đã từng do thám các chính quyền thân thiện với mình để có lợi thế về ngoại giao và thương mại mà vụ việc NSA theo dõi e-mail của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff  là minh chứng. Theo tiết lộ của báo chí Mỹ, Washington muốn biết sớm nhất thông tin về các phiên đấu thầu khai thác dầu khí tại Brazil để giành ưu thế. Sau khi vụ việc đổ bể, kết quả phiên đấu thầu ngày 20-10 cho thấy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil Petrobas chiếm hơn 40% quyền khai thác dầu khí tại mỏ dầu mới Libra (phát hiện năm 2010 với trữ lượng từ 8 đến 11 tỷ thùng), Total và Shell chiếm 20%, hai tập đoàn dầu khí Trung Quốc là CNOOC và CNPC chiếm 10%. Các công ty Mỹ không tham dự đấu thầu vì cho rằng Brazil dành nhiều ưu ái cho Petrobas với chiến lược Nhà nước Brazil chủ động kiểm soát nguồn dầu. 

Từ các vụ theo dõi thông tin trái phép của NSA khắp nơi trên thế giới đã có nhiều quan ngại về việc các máy chủ điều hành mạng lưới Internet toàn cầu đang tập trung quá nhiều ở Mỹ. Đồng thời, hệ thống vệ tinh viễn thông của Mỹ cũng đang ở thế áp đảo về quy mô trên toàn cầu thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Mỹ đang đẩy các đồng minh của mình vào thế khó khi chính khách của các nước đồng minh như Đức, Pháp, Mexico, Anh…  buộc phải lên tiếng nếu không người dân sẽ không coi những người họ bầu lên ra gì, nếu như chưa kết tội các chính trị gia của họ đang tiếp tay cho nhưng hành động nghe lén của Mỹ.