Mỹ tung cú tạt sườn ghê gớm tại Ấn Độ làm Trung Quốc thất kinh

ANTĐ - Các phương tiện truyền thông Ấn Độ ngày 22/08 đồng loạt đưa tin, một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ tiết lộ, Mỹ chuẩn bị xây dựng căn cứ không quân và triển khai máy bay chiến đấu ở Ấn Độ. Đây là một cú tạt sườn mà người Trung Quốc cực kỳ lo lắng.

Tờ “Calcutta Telegraph” của Ấn Độ cho biết, là một bộ phận trong chiến lược “tái cân bằng Thái Bình Dương”, Mỹ đang dự định xây dựng căn cứ không quân ở Trivandrum - Thủ phủ của bang Kerala. Đây là một bang nằm ở phía tây nam của Ấn Độ, tiếp giáp biển Ả Rập. Căn cứ không quân này có vị trí chiến lược rất quan trọng vì nó nằm ở phía nam bờ biển Malabar, từ đây xuôi xuống phía nam không xa chính là Ấn Độ Dương, phía bắc cách Kachin khoảng 220km.

Gần đây, ông Herbert Carlisle - Tư lệnh không quân của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đã công khai kế hoạch triển khai máy bay chiến đấu đến Ấn Độ của Lầu năm góc.

Ông nói: “Chúng tôi có khá nhiều những khiếm khuyết cần thay đổi trong chiến lược "tái cân bằng", ví dụ như cần tiếp tục duy trì sức mạnh tại khu vực Đông Bắc Á. Mặt khác, chúng tôi cần luân phiên hiện diện, tăng cường dịch chuyển xuống phía nam và sang hướng tây, bao gồm: Căn cứ không quân Darwin, Tyndall (Australia); Changi - Singapore; Nakhon Ratchasima - Thái Lan và Trivandrum - Ấn Độ”.

Mỹ tung cú tạt sườn ghê gớm tại Ấn Độ làm Trung Quốc thất kinh ảnh 1

Phi đội máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ


Kế hoạch của Lầu năm góc được Tổng thư ký Đảng Cộng sản Ấn Độ - Prakash Karat thông báo: “Việc xây dựng căn cứ không quân trên là kỳ vọng từ lâu của người Mỹ. Ngay từ năm 2006, Hoa Kỳ và Ấn Độ đã đạt được một hiệp định khung về vấn đề này. Hiện nay, Chính phủ liên minh cần tuyên bố công khai là có cho phép xây dựng căn cứ này hay không?”.

Tư lệnh không quân Thái Bình Dương Carlisle cũng đã từng đích thân đến khảo sát Trivandrum, ông chính là một thành viên thuộc Nhóm hoạch định chính sách quan hệ quốc phòng Mỹ - Ấn. Trước khi nhậm chức Tư lệnh không quân Thái Bình Dương, ông Carlisle đã từng phụ trách nhiệm vụ hợp tác không quân giữa 2 nước. Tuy nhiên, một vị quan chức quốc phòng cao cấp của Ấn Độ lại tuyên bố, New Dehli chưa từng thảo luận bất cứ hiệp định nào với Washington, về vấn đề cho phép Mỹ xây dựng căn cứ không quân tại nước mình.

Mỹ tung cú tạt sườn ghê gớm tại Ấn Độ làm Trung Quốc thất kinh ảnh 2

Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I của không quân Ấn Độ (phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon) của Mỹ


Trước đây trong lịch sử, Ấn Độ đã từng cho phép quân đội nước ngoài đóng quân ở nước mình. Sau khi thảm bại trong chiến tranh biên giới, người Ấn đã đẩy mạnh xây dựng và chỉnh đốn quân đội. Để kiểm tra khả năng tác chiến của quân đội, Thủ tướng Ấn Độ lúc đó là ông Jawaharlal Nehru đã từng nhiều lần mời quân đội các nước Anh, Canada và Hoa Kỳ sang Ấn Độ tham gia huấn luyện và tổ chức diễn tập quân sự liên hợp.

Theo hồi ký ông Donald Michael, nguyên là Liên đội trưởng Liên đội không quân số 3 của Ấn Độ, khi đó máy bay chiến đấu F-100, của chi đội máy bay chiến thuật 356 của không quân Mỹ đã được triển khai ở căn cứ Palm, cách New Delhi không xa. Lực lượng này mang biệt danh “Green Goblin”, được coi là “con át chủ bài” trong phòng chống sự xâm lược của Trung Quốc vào lãnh thổ Ấn Độ.

Mỹ tung cú tạt sườn ghê gớm tại Ấn Độ làm Trung Quốc thất kinh ảnh 3

Không quân Ấn Độ cũng mua máy bay vận tải C-17 Globemaster của Mỹ


Sự lo lắng về chiến lược phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, trong thời gian tới và những căng thẳng liên tiếp xảy ra trên biên giới Trung - Ấn khiến Chính phủ Ấn Độ lo lắng và có thể nhượng bộ cho các máy bay trinh sát của CIA được đồn trú tại các căn cứ nước này, tiếp cận để tiến hành trinh sát các căn cứ hạt nhân của Bắc Kinh, thông tin tình báo sẽ được chia sẻ chung cho cả New Dehli và Washington.

Hãng truyền thông Bloomberg phân tích, Mỹ luôn hy vọng xây dựng được mối quan hệ hợp tác quân sự mật thiết với Ấn Độ. Thậm chí Washington còn chấp nhận chia sẻ những thông tin công nghệ vũ khí đỉnh cao như: tên lửa hành trình Tomahawk (để giúp Ấn Độ hoàn tất dự án tên lửa hành trình Nibrhay) và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, thậm chí hãng Lockheed Martin còn mời Ấn Độ tham gia vào dự án chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35. Đây là những loại vũ khí đỉnh cao của quân đội Mỹ, không nhiều nước được chia sẻ bí mật công nghệ dù chỉ là 1 dự án.

Mỹ tung cú tạt sườn ghê gớm tại Ấn Độ làm Trung Quốc thất kinh ảnh 4

Máy bay C-130J Super Hercules Ấn Độ mua của Mỹ hạ cánh xuống Daulat Beg Oldie


Ngoài ra, không quân Ấn Độ cũng đã mua sắm rất nhiều máy bay vận tải chiến lược C-130J Super Hercules, C-17 Globemaster, máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I (Phiên bản xuất khẩu của P-8A Poseidon) và trực thăng tấn công AH-64, đi kèm với chúng là Hệ thống bảo đảm hậu cần theo tiêu chuẩn Mỹ. Điều này, vô hình chung đã giúp cho quân đội Mỹ có nhiều thuận lợi khi tiến quân vào Ấn Độ.

Ngoài việc đặt căn cứ không quân ở Trivandrum, nếu như Mỹ và Ấn Độ tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa, toàn bộ sườn phía tây của Trung Quốc dường như đã phơi bày trước mắt Mỹ, làm giảm ưu thế về “chiều sâu chiến lược” của Trung Quốc ở khu vực này, Bắc Kinh sẽ không còn giây phút nào bình yên vì cú tạt sườn hóc hiểm của Washington.