Mỹ tung “Chim ăn thịt” F-22 truy đuổi máy bay ném bom TU-95 của Nga

ANTĐ - Không quân Mỹ đã điều 2 chiếc máy bay chiến đấu “Chim ăn thịt” F-22 Raptor chặn 2 chiếc máy máy bay ném bom chiến lược của Nga, khi đang áp sát khu vực phòng thủ của Mỹ ở gần quần đảo Aleutian và phía bắc Alaska.

Không quân Mỹ vừa tiết lộ, cuối tuần trước, 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân Tu-95MS (NATO gọi là TU-95 Bear H) của Nga đã được phát hiện khi đang bay vào Khu vực Phòng không Alaska của Quân đội Mỹ, gần quần đảo Aleutian và dọc bờ biển phía bắc Alaska trên biển Chukchi và Bắc Băng Dương vào các ngày 28 và 29-4, các quan chức quân sự Mỹ cho biết.

Trung tá Bill Lewis, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Phương Bắc của Mỹ cho biết, Mỹ đã triển khai 2 chiếc máy bay chiến đấu ngăn chặn máy bay ném bom của Nga, bay vào khu vực có triển khai một radar phòng thủ tên lửa chiến lược, gần quần đảo Aleutian, nhưng không cho biết chi tiết vụ việc.

"Hai chiếc máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ từ Căn cứ không quân Elmendorf, Alaska, đã được triển khai và đã tận mắt nhận ra máy bay ném bom của Nga vào đêm 28-4, khi máy bay của Không quân Nga đang bay gần Alaska", Trung tá Lewis nói và cho biết, 2 máy bay ném bom này không xâm phạm không phận Mỹ.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptor của không quân Mỹ

Tuy nhiên, khu vực phòng không Alaska là một khu vực an ninh quốc gia chính thức được quân đội sử dụng để theo dõi các máy bay dân sự và quân sự. Việc triển khai máy bay chiến đấu F-22 là một dấu hiệu cho thấy, các máy bay ném bom của Nga đã gây nên mối đe dọa tiềm năng đối với lãnh thổ Mỹ.

Đây là lần thứ 5 các máy bay ném bom chiến lược của Nga bay gần lãnh thổ Mỹ kể từ tháng 6 năm ngoái, khi các máy bay ném bom của Nga đã bị chặn gần Alaska trong một cuộc diễn tập hạt nhân chiến lược quy mô lớn, mà các quan chức quân sự Nga cho là thực hành tấn công các vị trí phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Alaska.

Các quan chức Mỹ cho rằng hành động trên của Nga là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nga, cùng với Trung Quốc, trong nhiều năm qua đã phản đối chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, thông qua tuyên truyền và các hoạt động gây ảnh hưởng.

Máy bay ném bom chiến lược có thể mang vũ khí hạt nhân Tu-95 Bear H của Nga

Sự kiện này diễn ra sau chuyến thăm Moscow hôm 14-4 của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Thomas E. Donilon, người đã chuyển một lá thư của Tổng thống Obama đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, về vấn đề phòng thủ tên lửa. Chi tiết của bức thư gửi Tổng thống Putin vẫn được giữ kín, nhưng các quan chức Nga mô tả là có một số đề xuất "thúc đẩy đối thoại và hợp tác".

Bộ Tư lệnh Phương Bắc đã không công bố sự kiện ngay hôm 28-4, mà một tuần sau mới tiết lộ nhưng từ chối đưa ra thông tin chi tiết, do chính sách hòa giải của chính quyền Obama nỗ lực “cài đặt lại” các mối quan hệ với Nga.

Thậm chí, 2 ngày sau sự kiện này, Bộ Tư lệnh Phương Bắc đã ban hành một thông cáo báo chí, đánh giá cao sự hợp tác của họ với quân đội Nga và công bố kế hoạch tổ chức một cuộc diễn tập bay với Nga, được tổ chức để đối phó bắt cóc máy bay.

Tuyên bố cho biết, không quân Nga hôm 27-4 đã hoàn thành các cuộc đàm phán với các quan chức Bộ Tư lệnh Phương Bắc tại Căn cứ không quân Peterson ở Colorado, về cuộc diễn tập diễn ra vào tháng 8 này tại Anchorage, Alaska, và tại Anadyr, một căn cứ máy bay chiến lược ở khu vực Viễn Đông của Nga, mà các quan chức Mỹ nghi ngờ các chuyến bay của máy bay ném bom vừa qua đã cất cánh từ đó.