Mỹ tung "chiến lược mới", quyết "giành lại" châu Phi từ tay Nga và Trung Quốc

ANTD.VN - Châu Phi đang ngày càng chứng tỏ "sức hấp dẫn", khi nhiều cường quốc trên thế giới tiếp tục lên kế hoạch tăng cường đầu tư và "đổ" thêm hàng tỷ USD. Tháng 4-2019, Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch tăng gấp đôi Quỹ đầu tư vào châu Phi lên mức 12,4 tỷ USD, với trọng tâm là sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng" nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế và an ninh.

Ba mục tiêu chính: thịnh vượng, an ninh và ổn định

Là nhà tài trợ lớn nhất cho châu Phi, với phần lớn các khoản tài trợ tập trung vào các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và cung cấp nước sạch, Mỹ đang lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực "tiềm năng" này dựa trên nền tảng "vũ khí chiến lược" mới, đó là sáng kiến "Châu Phi thịnh vượng", tập trung vào 03 mục tiêu chính sau:

Thứ nhất, thúc đẩy sự thịnh vượng.

(1) Hỗ trợ đầu tư và mở rộng các thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ, tăng cường quan hệ thương mại song phương của Mỹ trên khắp lục địa. Năm 2017, Mỹ đã đi trước Trung Quốc về vốn đầu tư nước ngoài với 130 dự án, trong khi Trung Quốc đã đầu tư vào 54 dự án tại châu Phi.

Tổng thống Mỹ D. Trump chụp ảnh cùng với  một số Tổng thống các nước châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 trên đảo Sicily, Italia ngày 27-5-2017. (Nguồn: Getty Images)

(2) Phát triển tầng lớp trung lưu, gia tăng cơ hội việc làm cho thanh niên và cải thiện môi trường kinh doanh bền vững của châu Phi.

(3) Sử dụng Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) để thúc đẩy quan hệ thương mại sâu sắc và công bằng hơn với các quốc gia châu Phi cận Sahara. Châu Phi cũng được hưởng lợi từ chương trình AGOA, cấp cho 40 quốc gia châu Phi quyền truy cập miễn thuế đối với hơn 6.000 sản phẩm.

(4) Khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Phi chọn các khoản đầu tư nước ngoài bền vững giúp các quốc gia trở nên tự chủ, không giống như các khoản đầu tư do Trung Quốc đưa ra, áp đặt các chi phí không đáng có với chiêu bài "ngoại giao bẫy nợ" để gia tăng tính ràng buộc. Theo cơ quan thống kê nợ Jubilee, tổng nợ của châu Phi hiện hơn 400 tỷ USD, trong đó gần 20% là nợ Trung Quốc. 4 quốc gia châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng "nợ nần ngập đầu là Zambia, Cộng hòa Congo, Djibouti và Ethiopia.

Thứ hai, đảm bảo an ninh khu vực.

(1) Theo sáng kiến mới, Mỹ sẽ tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan và xung đột bạo lực bằng cách hỗ trợ chính phủ các nước chây Phi củng cố năng lực của các lực lượng và cơ quan an ninh, củng cố hệ thống luật pháp nhằm giúp các quốc gia này có thể tự mình chiến đầu với những phần tử cực đoan, khủng bố.

(2) Hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đảm bảo tính hiệu quả, đồng thời tìm cách thiết lập lại hoặc chấm dứt các hoạt động không đáp ứng mục tiêu hoặc tạo điều kiện cho hòa bình lâu dài. Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, 3 nước châu Phi thành viên (Ethiopia, Guinea Xích đạo và Bờ Biển Ngà) đã trình dự thảo Nghị quyết đề xuất Liên hợp quốc tiếp tục tài trợ cho hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Phía Mỹ đã đưa ra yêu cầu sẽ chỉ cung cấp 75% số tiền và Liên minh châu Phi (AU) cần đóng góp 25% còn lại.

(3) Tuyên bố sẽ có hành động đơn phương cần thiết khi có tình huống xấu xảy ảnh hưởng đến sự an toàn và an ninh của nước Mỹ.

(4) Tiếp tục đầu tư vào việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và ứng phó với sự bùng phát của các bệnh truyền nhiễm chết người, đồng thời giúp các đối tác châu Phi định hướng cách thức giải quyết.

Thứ ba, duy trì sự ổn định.

(1) Chính quyền Mỹ sẽ xem xét và siết chặt lại các chương trình hỗ trợ nước ngoài tại châu Phi để đảm bảo tính hiệu quả nguồn vốn.

(2) Sử dụng các chương trình hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản trị dân chủ, đáp ứng mong muốn của công dân và phù hợp với pháp quyền.

(3) Hướng các khoản hỗ trợ nước ngoài của Mỹ tập trung vào các quốc gia châu Phi thúc đẩy lý tưởng dân chủ, minh bạch tài chính và thực hiện cải cách kinh tế.

(4) Ưu tiên duy trì sự bền vững và tự chủ ở một số quốc gia châu Phi. Chính quyền Mỹ sẽ không dung thứ cho việc quản trị kém hiệu quả và không chi tiền trợ cấp cho các nhà lãnh đạo tham nhũng và những người vi phạm nhân quyền. Trong 20 năm qua, Mỹ đã cung cấp hơn 16 tỷ USD viện trợ cho châu Phi. "Xứ cờ hoa" đã đổ không ít tiền của để duy trì các căn cứ quân sự cũng như các hoạt động huấn luyện quân sự ở châu lục này.

Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), Al-Qaeda.

Mới đây, Quốc hội Mỹ đã thông qua Ðạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), vốn được coi là sáng kiến quan trọng nhất của Washington đối với châu Phi dưới thời của Tổng thống Mỹ D. Trump, để sử dụng nguồn ngân sách 60 tỷ USD đầu tư vào châu Phi.

Mục tiêu: "hất cẳng" Nga và Trung Quốc ra khỏi "Lục địa Đen" 

Sáng kiến mới nhằm vào hai "đối thủ truyền kiếp" của Mỹ, đó là Nga và Trung Quốc, bởi những động thái gần đây của hai nước này trong việc tăng cường ảnh hưởng kinh tế, quân sự và chính trị đối với châu Phi. Theo giới quan sát quốc tế, thời quan qua, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một số hành động:

(1) Tăng cường các cuộc gặp cấp nguyên thủ quốc gia. Trong 5 năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm châu Phi 4 lần và chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) 2 lần vào các năm 2015 (tại Johannesburg) và năm 2018 (tại Bắc Kinh).

Binh sĩ Trung Quốc tham gia huấn luyện gần căn cứ ở Djibouti

(2) Dẫn đầu về hợp tác quốc tế ở châu Phi khi đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng tiềm lực kinh tế để thúc đẩy lợi ích an ninh. Trung Quốc giúp xây dựng một cảng biển, khu thương mại tự do và tuyến đường sắt nối Djibouti với Addis Ababa. Hai quốc gia Kenya và Ethiopia được Trung Quốc xác định là điểm tựa chiến lược của sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI), thậm chí các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả, đây là "Trung Quốc của châu Phi". Tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc-châu Phi vào tháng 9-2018, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi.

(3) Xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti cách không xa căn cứ quan trọng của Mỹ, nơi đóng vai trò là bệ phóng cho các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ.

Trong khi đó, Chính phủ Nga cũng tìm cách gia tăng ảnh hưởng bằng cách:

(1) Đẩy mạnh các cuộc gặp cấp cao. Năm 2018, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã thăm 05 nước châu Phi; tháng 7-2018, Tổng thống Nga V. Putin tới Nam Phi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS và gặp gỡ đại diện các quốc gia Angola, Rwanda, Senegan và Uganda; tháng 8-2018 và tháng 4-2019, Nga tổ chức Diễn đàn với châu Phi tại Moscow; thúc đẩy đối thoại Nga-BRICS, coi Nam Phi như "cầu nối" để kết nối với các quốc gia châu Phi; với vai trò Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình ở châu Phi.

Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Trung Phi và Nga ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự song phương

(2) Thúc đẩy đầu tư và triển khai các dự án ở khu vực Tây Phi và Trung Phi, tập trung vào các lĩnh vực dầu khí, hạt nhân, khai khoáng, đưa quan hệ kinh tế-thương mại song phương phát triển năng động. Theo Bộ Năng lượng Nga, các tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga (Gazprom, Rosneft, Lukoil) đầu tư từ 7-8 tỷ USD vào các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và phát triển các mỏ dầu khí tại Ai Cập, Algeria, Libya, Cameroon, Nigeria và Ghana.

Tập đoàn nguyên tử Rosatom đã ký thỏa thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân với Ai Cập (12-2017), thỏa thuận xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân với Zambia (5-2018) và hiện đang đàm phán xây dựng các tổ hợp hạt nhân tại Nam Phi, Angola, Sudan, Ethiopia, Algeria, Uganda và Namibia. Ngoài ra, theo ước tính, mỗi năm Nga trao đổi thương mại với châu Phi khoảng 14-15 tỷ USD.

(3) Ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự với các nước châu Phi cận Sahara, trong đó có Ethiopia, Nigeria và Zimbabwe. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phía Nga đã cung cấp vũ khí cho Cameroon chống lại các tay súng Boko Hama; tháng 2-2018, Nga cử 9 máy bay và điều động 5 chuyên gia quân sự, 170 huấn luyện viên đến hỗ trợ quân đội Cộng hòa Trung Phi.

Châu Phi tiếp cận một cách khá "thận trọng"

Giới chuyên gia nhận định, hầu hết các nước châu Phi tỏ ra khá thận trọng khi tiếp cận chiến lược mới của Mỹ bởi vì:

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ D. Trump đã tạo ra mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Phi khi ban hành lệnh cấm đi lại cũng như những lời chỉ trích đối với người châu Phi. Đầu năm 2018, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng về vấn đề nhập cư, ông D. Trump gọi những người tỵ nạn tại các quốc gia châu Phi là "dơ bẩn", mô tả người châu Phi là "những kẻ ngốc lười biếng chỉ giỏi làm tình". Bên cạnh đó, phải mất hơn 01 năm sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump mới gặp 01 nguyên thủ quốc gia châu Phi; và một số chức vụ Đại sứ ở châu lục này hiện vẫn bị Mỹ bỏ trống.

Thứ hai, chính quyền Mỹ mới chỉ đưa ra vài tuyên bố về châu Phi, trong khi dành phần lớn thời gian tập trung vào các vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran.

Thứ ba, chiến lược quá tập trung ngăn chặn về ảnh hưởng thương mại, an ninh và chính trị của Nga và Trung Quốc thay vì dành ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước châu Phi.

Thứ tư, chiến lược không kêu gọi dành nhiều ngân quỹ cho các hoạt động ngoại giao, thu thập thông tin tình báo hoặc viện trợ Mỹ tại châu Phi, mà tập trung nghiên cứu sử dụng các nguồn lực sẵn có một cách hiệu quả.

Như vậy, với chiến lược mới, quan hệ Mỹ-châu Phi sẽ được đẩy mạnh trên lĩnh vực hợp tác an ninh, kinh tế, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho giới trẻ và thúc đẩy quan hệ giữa hai bên. Với dân số khoảng 1,2 tỷ người, gồm 55 quốc gia, châu Phi đang chứng tỏ tiếp tục là “điểm đến” hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Châu lục này vẫn nằm trong chiến lược cần mở rộng ảnh hưởng đối với các cường quốc trên thế giới, thời gian tới sẽ trở thành một điểm nóng "cọ xát chiến lược" giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.