Mỹ - Trung nghi hoặc vì tin tặc

ANTĐ - Cáo buộc của Mỹ rằng chính Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải các tin tặc đứng đằng sau vụ đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang hiện tại cũng như đã nghỉ hưu của Mỹ đang làm cho quan hệ Mỹ - Trung vốn đã phức tạp càng  trở nên căng thẳng hơn.

Hồi đầu tháng này, Chính phủ Mỹ thừa nhận tin tặc đã đột nhập  hệ thống dữ liệu của Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM) và đánh cắp dữ liệu cá nhân của ít nhất 4 triệu nhân viên liên bang, gồm cả nhân viên đã nghỉ hưu. Vài ngày sau đó, Mỹ đã cáo buộc các tin tặc Trung Quốc đang sở hữu những thông tin nhạy cảm của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang nước này, trong đó có các nhân viên tình báo, quân đội đã từng trải qua các cuộc kiểm tra lý lịch an ninh phức tạp trước khi được tuyển làm việc chính thức. Đây được coi là vụ tấn công mạng lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào các cơ quan liên bang của Mỹ. 

Mỹ - Trung nghi hoặc vì tin tặc ảnh 1

 Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ - nơi xảy ra vụ đánh cắp dữ liệu của 14 triệu cá nhân

Sự nghi ngờ của Washington nhằm vào Bắc Kinh bởi các điều tra viên thuộc cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ theo dõi hoạt động chuyển dữ liệu tại các hệ thống mạng nước ngoài đối với những tệp tài liệu có thông tin của các cá nhân Mỹ, cũng như truy tìm các cuộc liên lạc giữa các tin tặc, rồi việc mua bán thông tin đánh cắp trên thị trường “chợ đen” đều không tìm thấy dấu vết vụ ăn cắp dữ liệu của OPM. Thực tế này cho thấy thủ phạm các vụ tấn công mạng không phải là những hacker thông thường và động cơ của chúng không xuất phát từ tiền bạc.

Thực tế từ nhiều năm nay, an ninh mạng đã trở thành một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong quan hệ Mỹ - Trung. Washington thường xuyên cáo buộc tin tặc có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc tấn công vào hệ thống thông tin của các cơ quan Chính phủ và công ty Mỹ. Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Trung Quốc đứng đầu danh sách những quốc gia muốn đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ và hầu hết các công ty lớn ở Mỹ đều là mục tiêu tấn công mạng của tin tặc Trung Quốc. Thiệt hại do các hoạt động này đối với các doanh nghiệp Mỹ lên tới hàng tỉ USD mỗi năm.

Căng thẳng nhất là tháng 5 năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh truy nã 5 sỹ quan quân đội Trung Quốc thuộc lực lượng tin tặc bí mật, có tên gọi “Đơn vị 61398”, dưới quyền quản lý và điều hành của Chính phủ Trung Quốc, chuyên thực hiện những vụ tấn công nhằm vào các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó có Mỹ, để đánh cắp các bí mật về công nghệ, bí mật doanh nghiệp... Sau vụ này, chính quyền của Tổng thống B. Obama chính thức lên tiếng cảnh báo rằng mối đe dọa từ mạng là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia, thậm chí đang có khả năng tạo ra một vụ “Trân Châu Cảng” trên mạng.

Không biết vụ thông tin cá nhân của khoảng 14 triệu nhân viên liên bang đang làm việc cũng như đã nghỉ hưu của Mỹ nghi bị Trung Quốc đánh cắp có trở thành một vụ “Trân Châu Cảng” trên mạng hay không, nhưng xem ra quan hệ Mỹ - Trung đang nóng dần. Tất nhiên là phía Trung Quốc bác bỏ tất cả mọi cáo buộc. Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn cho rằng, thay vì phải mở cuộc điều tra sâu rộng để truy ra gốc của bọn tin tặc, thì phía Mỹ thường đổ lỗi hoặc hoài nghi Trung Quốc liên quan đến những vụ tấn công mạng. 

Nhưng khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ xác định các cuộc tấn công mạng và tình báo mạng đã vượt qua chủ nghĩa khủng bố, trở thành mối đe dọa an ninh hàng đầu mà nước Mỹ đang phải đối mặt, thì chắc Nhà Trắng không thể làm ngơ trước vụ việc nghiêm trọng này, nhất là khi cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ đã bắt đầu tăng tốc.