Mỹ - Trung đối đầu tại châu Phi

ANTĐ - Tuần qua, tại Thủ đô Washington đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-châu Phi lần thứ nhất. Đây là cuộc gặp lớn chưa từng có giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với nguyên thủ các nước châu Phi. Tổng thống Mỹ Obama công bố sẽ dành 33 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi, trong một động thái được đánh giá là nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, nước đã đổ rất nhiều vốn đầu tư vào châu lục này.

Báo giới phương Tây đều cho rằng Mỹ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Phi trong nỗ lực cản bước Trung Quốc tại lục địa này. Từ năm 2005, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Phi tăng gấp 30 lần và năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại ưu tiên của châu Phi, che lấp đi ảnh hưởng của Mỹ. Nhà phân tích Christopher Wood tại Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi cho rằng: “Washington đã tụt lại phía sau trong cuộc đua nhằm chinh phục cảm tình của châu Phi. Vì thế, hội nghị là con đường để Mỹ chạy đua giành giật lợi ích từ sự nổi lên của kinh tế châu lục này với những đối thủ như Trung Quốc và EU”. 

Tại Hội nghị, Tổng thống Obama đã cam kết Chính phủ và các công ty của Mỹ sẽ nỗ lực nhiều hơn và hiệu quả hơn nhằm chuyển quan hệ với châu Phi từ thuần túy là cấp và nhận viện trợ nhân đạo sang xây dựng các mối quan hệ đối tác kinh tế bình đẳng. “Chúng tôi không chỉ đơn giản là muốn khai thác tài nguyên từ lòng đất để phục vụ tăng trưởng của chúng tôi”, ông Obama nói với hàm ý ám chỉ Trung Quốc, vốn từ 10 năm qua đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi, với kim ngạch thương mại cao hơn gấp đôi so với kim ngạch thương mại Mỹ - châu Phi. Mỹ sẽ dành 33 tỷ USD từ khu vực tư nhân và các cơ quan Chính phủ Mỹ dành cho các quốc gia châu Phi. Bên cạnh đó, còn có các thỏa thuận đầu tư khác trị giá 14 tỷ USD và khoản cho vay hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ sang châu Phi trị giá 7 tỷ USD.

Theo tờ New York Times, Washington đang rất hào hứng trong việc thuyết phục châu Phi rằng hệ thống tư bản của Mỹ có thể đem lại những ưu điểm tốt đối với các nước châu Phi, hơn cả Trung Quốc. Từ lâu đã có một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh việc kiểm soát và khai thác nguyên liệu của châu Phi. Sự quyết liệt của cuộc đối đầu này đã thể hiện tầm quan trọng của nguồn nguyên liệu châu Phi đối với sự sống còn của các nước này về phương diện kinh tế, đồng thời cũng qua đó họ khẳng định sức mạnh, vị thế của mình trên trường quốc tế. Số liệu dự báo cho thấy đến năm 2020, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu 10-15 triệu thùng dầu/ngày. Để khắc phục sự thiếu hụt trầm trọng này, Trung Quốc triển khai trên toàn bộ các vùng chiến lược của thế giới một “chính sách ngoại giao tài nguyên”, thực hiện một loạt chính sách năng lượng mới. Trong đó, châu Phi là “miền đất hứa” trong tương lai. Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi và sử dụng châu lục này như một nguồn tài nguyên dầu lửa và kim loại của Trung Quốc.

Trong khi đó, nước Mỹ cũng có chiến lược của mình và châu Phi đã trở thành sàn đấu trong cuộc chơi năng lượng quy mô lớn của 2 cường quốc kinh tế và quân sự Mỹ, Trung Quốc. Trước thời điểm tháng 7-2011, tại Libya, Mỹ và liên quân đã xóa bỏ chế độ Gaddafi khiến Trung Quốc mất trắng 20 tỷ USD (con số chưa chính thức) khi đầu tư ở đó về cơ sở hạ tầng, viễn thông và dầu lửa. Tình trạng giao tranh ác liệt trong thời kỳ mùa xuân Ả-rập 2011 khiến hết dự án này tới dự án khác của Trung Quốc bị bỏ trống, bị thua lỗ nặng nề bởi hơn nửa đầu tư của Trung Quốc trong lĩnh vực dầu lửa ở nước ngoài là ở các khu vực bị coi là bất ổn, như Iran, Nigeria, Sudan, Nam Sudan và Venezuela. Nhưng Trung Quốc nhanh chóng lên kế hoạch “tái chiếm châu Phi” tranh giành với Mỹ. Năm 2013, quy mô thương mại Trung Quốc - châu Phi đã vượt ngưỡng 200 tỷ USD, đạt 210,239 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, lập mức cao mới trong lịch sử. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Phi là 92,809 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu từ châu Phi là 117,429 tỷ USD, tăng 3,7%. 

Trung Quốc lập “Quỹ phát triển châu Phi” với 5 tỷ USD để trợ cấp những nước khó khăn, bãi bỏ thuế xuất khẩu từ 190 mặt hàng lên 440 mặt hàng xuất sang châu Phi, viện trợ 38 triệu USD cho các công trình công ích, như trường học, bệnh viện, trạm y tế phòng bệnh, thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, Trung Quốc cũng tích cực sử dụng chiêu bài "dùng người trị người". Hiện tại, dân số của Angola có 45% là người Trung Quốc, Tanzania có 10% là dân số Trung Quốc. Không chỉ có vậy, tại các dự án của mình Trung Quốc đã đưa công nhân sang châu Phi làm việc, Trung Quốc đã phần nào giảm nhẹ tình trạng thất nghiệp trong nước, tăng thêm nguồn thu cho nước này. Quốc gia có dân số đông nhất thế giới còn mở tới gần 30 Học viện Khổng Tử ở mấy chục nước châu Phi để quảng bá ngôn ngữ và các giá trị văn hóa Trung Hoa.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn khi quá tham lam thực hiện chính sách khai thác tài nguyên như kiểu “thực dân khai thác thuộc địa”, gây ra những tác động thảm khốc cho môi trường và thiên nhiên chứ không giúp tạo công ăn việc làm và thị trường tại châu Phi khiến người dân địa phương nghèo đi, Chính phủ bản xứ bức xúc, lên án. 

Từng là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, nhưng sau một thời gian xao nhãng, Mỹ đã để tuột mất vị trí này vào tay Trung Quốc từ 5 năm trước. Hiện Mỹ chỉ là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi, sau EU và Trung Quốc. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ - châu Phi đạt 60 tỷ USD, thua xa Trung Quốc với 200 tỷ USD và EU với 170 tỷ USD. 

Bởi vây, giành lại châu Phi trong cuộc đua với các đối thủ là điều mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề úp mở trong phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi. Với hơn 1 tỷ dân và giàu tài nguyên thiên nhiên, châu Phi hiện trở thành một "điểm đến" hấp dẫn để Mỹ cũng như các cường quốc mới nổi đang tìm cách "vẽ lại bản đồ ảnh hưởng" ở châu lục này với mục tiêu không chỉ  là giành lại thị trường tiềm năng cho hàng hóa mà còn hứa hẹn một nguồn cung nguyên liệu dồi dào. 

Phát biểu trước các lãnh đạo châu Phi, Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, ông Obama cũng đã rất khôn khéo nói: “Tôi đang đứng trước các ngài với tư cách là Tổng thống Mỹ và là con trai của một người đàn ông đến từ châu Phi. Dòng máu châu Phi chảy trong gia đình tôi”. Tuy vậy, các nhà bình luận cho rằng thời gian tới cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Quốc tới châu Phi sẽ rất gay gắt khốc liệt không kém phần cam go chẳng kém gì chạy đua ở châu Á - Thái Bình Dương.