Mỹ - Trung căng thẳng vì "con mắt thần" THAAD

ANTD.VN - Dù phải đến cuối năm 2017, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ mới được triển khai tới Hàn Quốc, nhưng mâu thuẫn Mỹ - Trung xung quanh vấn đề này đang nóng lên từng ngày. 

Với tầm bắn 200 km, THAAD có thể kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên

Một lần nữa, Bắc Kinh lại lên tiếng phản đối việc triển khai lá chắn THAAD ở Hàn Quốc với lý do hệ thống này đe dọa an ninh Trung Quốc. Không chỉ cảnh báo, Bắc Kinh đã bắt đầu công khai các biện pháp trừng phạt nhằm vào đồng minh Hàn Quốc của Mỹ khi hủy tư cách cấp giấy mời thị thực thương mại cho các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc để gây bất tiện trong làm ăn. Bắc Kinh thậm chí còn đe dọa sẽ siết chặt quản lý đối với làn sóng văn hóa Hàn Quốc (Hallyu) đang lan rộng tại nước này.

Việc Triều Tiên liên tục phóng thử tên lửa đạn đạo đang khiến Washington và Seoul như ngồi trên đống lửa. Ngoài các tên lửa tầm trung Nodong có tầm bắn 500-600 km, Triều Tiên đang chuẩn bị triển khai các tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08. Một khi điều đó xảy ra, toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm cả cảng Busan - nơi lực lượng tăng cường của Mỹ sẽ đổ bộ khi cần thiết, sẽ nằm trong tầm ngắm của KN-08.

Hiện Mỹ và Hàn Quốc đã có sẵn các tên lửa Patriot PAC 2 và PAC 3 có khả năng đánh chặn tên lửa, nhưng năng lực còn khá hạn chế. Một tính toán mô phỏng trên máy tính cho thấy hệ thống PAC-2/3 với tầm đánh chặn tên lửa từ 12-15 km chỉ có hơn 1 giây để có thể phá hủy tên lửa Triều Tiên, trong khi hệ thống THAAD sẽ có khoảng 45 giây để đánh chặn ở cự ly từ 40-150 km.

Thêm vào đó, việc triển khai THAAD sẽ là bước đệm để kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Nó sẽ cho phép 3 nước khai thác tối đa tiềm năng của hệ thống cảm biến, giúp đánh chặn chính xác hơn bằng cách theo dõi tên lửa mục tiêu từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó mà dễ dàng vô hiệu hóa các tên lửa của Triều Tiên.

Nhưng khả năng siêu việt từ những “con mắt thần” của THAAD lại khiến Bắc Kinh giật mình. THAAD có phạm vi đánh chặn chỉ khoảng 200 km, nhưng radar của hệ thống lại có phạm vi phát hiện mục tiêu ít nhất gấp 5 lần tầm đánh chặn của tên lửa. Cụ thể radar AN/TPY-2 có phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 1.000 km và có thể mở rộng lên đến 4.000 km. Đây là một radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) với khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao.

Trung tuần tháng 7 vừa rồi, Hàn Quốc và Mỹ đã chọn thị trấn Seongju thuộc vùng núi cách Thủ đô Seoul 296km về phía Đông Nam làm địa điểm triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Như vậy, toàn bộ căn cứ quân sự dọc theo Biển Hoàng Hải và Đông Hải đều nằm trong tầm “soi mói” của hệ thống radar này. Mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc dọc bờ biển phía Đông, thậm chí từ rất sâu bên trong lãnh thổ nước này, đều nằm trong tầm trinh sát của radar hệ thống THAAD. 

Chính vì thế mà Bắc Kinh kịch liệt phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Dù Washington có cố giải thích rằng THAAD sẽ chỉ tập trung vào các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, không nhắm mục tiêu tới bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng nó không thể xóa được sự ngờ vực của Bắc Kinh.