Mỹ thuật Việt Nam trong “Hội nhập Đông Tây”

(ANTĐ) - Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Vương quốc Anh sẽ được diễn ra từ ngày 4 đến 13-3 tại Thủ đô London với nhiều hoạt động giàu ý nghĩa. Điểm nhấn nổi bật sẽ là chương trình “Duyên dáng Việt Nam” do báo Thanh Niên tổ chức, quy tụ dàn nghệ sỹ, ca sỹ tên tuổi ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Đồng thời, cũng trong những ngày này, triển lãm mỹ thuật “Hội nhập Đông Tây” của các họa sỹ Việt Nam cũng đã được diễn ra như một gạch nối trong sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây…

Mỹ thuật Việt Nam trong “Hội nhập Đông Tây”

(ANTĐ) - Những ngày Văn hóa Việt Nam tại Vương quốc Anh sẽ được diễn ra từ ngày 4 đến 13-3 tại Thủ đô London với nhiều hoạt động giàu ý nghĩa. Điểm nhấn nổi bật sẽ là chương trình “Duyên dáng Việt Nam” do báo Thanh Niên tổ chức, quy tụ dàn nghệ sỹ, ca sỹ tên tuổi ở Việt Nam cũng như hải ngoại. Đồng thời, cũng trong những ngày này, triển lãm mỹ thuật “Hội nhập Đông Tây” của các họa sỹ Việt Nam cũng đã được diễn ra như một gạch nối trong sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây…

Một trong những hoạt động văn hóa rất được chờ đợi nhân chuyến thăm chính thức của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tới thăm Vương quốc Anh vào tháng 3-2008 là cuộc triển lãm tranh mang tên “Hội nhập Đông Tây”.

Với những bức tranh được lựa chọn công phu từ sưu tập của các họa sỹ: Bùi Hữu Hùng, Phạm Luận, Hồng Việt Dũng, Nguyễn Thanh Bình, Phạm An Hải và Nguyễn Tuấn Cường, cuộc triển lãm lần này được hy vọng không chỉ đem lại một góc nhìn khiêm tốn về sự thăng hoa của nền nghệ thuật hội họa Việt Nam trong những thập kỷ gần đây mà hơn thế nó là sự phản ánh trung thực về sự hội nhập giữa hai nền văn hóa lớn Đông và Tây.

Bên cạnh những tác phẩm hội họa, những sản phẩm gốm sứ của nghệ nhân Trần Độ mang đến từ làng gốm sứ truyền thống Bát Tràng cũng đóng góp không nhỏ cho sự phản ánh này. Đó là một sưu tập các tác phẩm gốm sứ đã được lựa chọn là quà tặng quốc gia trong các chuyến công du đi ra nước ngoài của Chính phủ Việt Nam hoặc trong các buổi tiếp đón của các nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam.

Cuộc triển lãm này được giao cho Gallery Sông Hồng và Công ty Quốc Anh IEC kết hợp tổ chức. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 14-3-2008 tại phòng triển lãm của trường Đại học Limkokwing, London. Ngoài họa sỹ trẻ Nguyễn Tuấn Cường, những họa sỹ khác đều đã từng nhiều lần tham gia các cuộc triển lãm lớn kể cả trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện quốc gia.

Tranh của Nguyễn Thanh Bình luôn hấp dẫn người xem bởi nét độc đáo của các đề tài lẫn phong cách thể hiện. Các thiếu nữ Việt Nam trong tranh của anh với màu trắng tinh khiết của tà áo dài trên nền vàng nhạt đổ màu, đôi lúc được anh phá cách bằng nét cọ đỏ thắm ẩn hiện trong quả táo, chiếc túi hoặc bông hoa… Anh còn thường vẽ các đề tài về tình mẫu tử, các nhạc công và nhạc trưởng… Và anh cũng đặc biệt thành công ở đề tài vũ ballet với phần lớn các cảm hứng đều được xuất phát từ lớp học ballet của con gái mình… Dạo quanh các phòng tranh trên phố Tràng Tiền hoặc Hàng Gai, bạn sẽ gặp các cô gái Việt Nam của Thanh Bình ẩn hiện trên các ô cửa sổ nhìn ra đường. Dường như các phòng tranh này đều ngầm khoe rằng: Tôi có bức tranh của Thanh Bình đây.

Tranh của họa sỹ Phạm Luận mang đậm nét phố cổ Hà Nội với bốn mùa hoa lá, màu sắc tươi sáng. Đó là một lễ hội màu sắc nhảy múa cùng lung linh nắng. Chói chang, sống động với đầy ắp sự sống: Con người, cây cối, đường phố, nhộn nhịp đi lại, buôn bán, xe cộ đủ loại, trên vỉa hè, dưới lòng đường, quần áo: phơi, treo, bày bán… Có nghĩa là một bức tranh sống động của cuộc sống thực, không ảo tưởng, không nhạt nhòa, ào ào, bon chen, hỗn độn.

Người và cây cối đều thể hiện mình qua màu sắc. Nhìn tranh Luận, cứ ngỡ anh chỉ mười tám, đôi mươi, cái tuổi của sự hồn nhiên ồn ào, sống hết mình. Không hiểu sao anh cứ sống mãi được cái tuổi đôi mươi, đầy nhựa sống ấy lâu đến vậy. Biết bao người thầm ước có một bức tranh của Phạm Luận trong nhà để đời luôn tươi trẻ, để luôn mãi được yêu và tri ân với đời. Thế nhưng bây giờ niềm mơ ước ấy cũng khó lắm. Có những ông chủ từ Mỹ, Anh sang đã đặt anh vẽ cho toàn bộ các phòng trong tòa nhà văn phòng, khách sạn của mình.

Tranh của họa sỹ Hồng Việt Dũng mang nét man mác của trời đất. Trong tranh, đất trời, cây cối, sương khói như hòa quyện, con người chỉ như một nét chấm nhỏ trong cái mênh mông sương khói đó. Màu sắc của anh cũng rất tiết kiệm chỉ một tông màu, hoặc vàng nhạt, hoặc xanh nhạt, nhưng dưới cây cọ tài tình của anh cũng đủ cuốn hút mọi con mắt nhìn.

Đề tài của anh cũng tiết kiệm như màu sắc: một cái cây, một rặng tre, môt cánh đồng, một ông sư, một đàn chim… Đơn giản, đẹp, bí ẩn, đấy chính là tranh của Hồng Việt Dũng. Gần đây nhất, hai bức tranh của Hồng Việt Dũng cũng được Công ty Sotherby của Anh đưa vào chương trình đấu giá. Sau chuyến đi Anh này, anh lại lập tức có mặt ở Mỹ để tham gia một cuộc triển lãm khác.

Hội họa của Phan An Hải lại đem đến những cảm xúc khác, cùng xây dựng nguồn cảm hứng từ những hình ảnh lô xô của các khu phố cổ Hà Nội nhưng An Hải lại cho thấy một sự phản ánh khác về sự vận động không ngừng của đời sống đô thị ngày nay. Những ô cửa sổ, những bức tường rêu phong, những mái nhà cổ kính thông qua hình thức biểu hiện trừu tượng đã đem lại cho người xem những phát hiện mới về thành phố, nơi mà mọi người dân Hà Nội vẫn ngỡ rằng mình đã quá rành rẽ và thân quen. Chính phong cách biểu hiện trừu tượng hòa nhập với cội nguồn rất á đông của người nghệ sỹ đã tạo nên những bất ngờ thu hút người hâm mộ hội họa Việt Nam đến từ phương Tây.

Nét đặc trưng nhất cho vẻ đẹp phương Đông của cuộc triển lãm lần này là những bức sơn mài của Bùi Hữu Hùng. Tranh của Hùng có vẻ đẹp huyền bí của các thiếu nữ cung đình Huế cổ xưa, với tà áo dài cổ, màu sắc cổ, nét mặt buồn cổ đối lập với những chiếc khung tranh đẹp lộng lẫy và nặng khủng khiếp.

Tranh của anh ít khi được tồn tại lâu ở Việt Nam vì chúng đều nhanh chóng được đưa ra nước ngoài. Tranh anh vẽ cầu kỳ, đường nét, màu sắc, kiểu cách, cho nên chắc anh không thể vẽ nhanh được. Mỗi bức của anh phải mất nhiều công sức và nhiều lớp sơn mài phủ lên nhanh để có được một bức tranh hoàn thiện đến vậy. Tại Sứ quán Việt Nam ở EU - Bỉ đã có một bức tranh hoành tráng của anh về đề tài Lạc Long Quân và Âu Cơ, cao 2,5m và dài 6m. Bức tranh luôn là niềm tự hào về văn hóa Việt và tài năng của các họa sỹ Việt Nam bên cạnh nền văn hóa kỳ vỹ của Âu châu.

Đứng trước tranh anh, ta như thấy tự hào hơn cho nền văn hóa Việt - nền văn hóa mang đậm nét phương Đông, với chất sơn Việt, màu sắc Việt, vẽ về đề tài rất Việt. Nhìn tranh anh, họ sẽ không thể lẫn được đây là tranh Trung Quốc, Thái Lan… lại càng không thể lẫn được là tranh Âu châu. Lần này, anh sẽ trình làng hai thể loại sơn mài: trên gỗ và trên toan. Điều đặc biệt của triển lãm lần này là một bộ sưu tầm các tác phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ của làng gốm Bát Tràng. Đây chính là bộ quà tặng quốc gia mà các nguyên thủ Việt Nam mang tặng nhân các chuyến đi thăm chính thức các quốc gia khác hoặc tặng cho khách quý của Chính phủ khi đến thăm Việt Nam.

Liên Hương