Mỹ thừa nhận thua Nga trong cuộc chiến Bắc Cực?

ANTĐ - Một quan chức Mỹ đã thừa nhận, Hoa Kỳ không thể cạnh tranh nổi với Nga ở Bắc Cực và đã tuyệt vọng lùi lại phía sau.

“Nga đang chinh phục khu vực đầy triển vọng này một cách  thành công hơn nhiều” - tuyên bố của chỉ huy Đội Phòng vệ Duyên hải Hoa Kỳ Paul Zukunft được tạp chí Newsweek đăng tải chắc hẳn khiến nhiều người Mỹ không hài lòng.

Ông Zukunft cho rằng, thậm chí hiện nay Hoa Kỳ không "chơi" được với Nga một cách ngang hàng, thậm chí còn không còn dự phần được vào trò chơi ở Bắc Cực.  Ông này thừa nhận rằng hàng loạt quốc gia mà hàng đầu là Nga thậm chí chẳng cần phải cạnh tranh với Hoa Kỳ vì đã vượt xa về phía trước.

Điểm hệ trọng đầu tiên là Hoa Kỳ thiếu tàu phá băng. Vào thời điểm hiện nay, để nghiên cứu và khám phá vùng Cực Bắc thì người Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng lớn nhưng chỉ chạy bằng động cơ diezel, mà trong đó chỉ có chiếc là Polar Star là còn có khả năng hoạt động.

Trong khi đó, Nga có tới 6 tàu phá băng hạt nhân (4 chiếc thường xuyên hoạt động). Đó là những con tàu khổng lồ đủ sức hoạt động độc lập nhờ có trạm năng lượng hạt nhân và cho phép tổ chức điều hướng gần như ở bất cứ nơi nào và ở bất cứ thời điểm nào. Tuy nhiên, tất cả vấn đề không chỉ ở tàu phá băng.

Trong khi Mỹ không có hoạch định chiến lược khả thi về khám phá và khai thác Bắc Cực thì Nga đang đi trước trong lĩnh vực này. Để duy trì lợi ích của mình ở Bắc Cực, vào tháng 12 năm 2014 Nga còn tạo lập Bộ Tham mưu chiến lược thống nhất với tên gọi "Phương Bắc".

Nga đã nhanh chân hơn các nước khác trong việc chiếm lĩnh Bắc Cực

Không chỉ trong lĩnh vực khai phá Bắc Cực mà trong lĩnh vực khai thác tuyến đường biển phương Bắc, việc sở hữu biên đội tàu phá băng khổng lồ cũng sẽ tạo điều kiện để Nga kiểm soát hoàn toàn huyết mạch vận tải đầy tiềm năng thay thế  cho tuyến đường phía Nam, thông qua kênh đào Suez.

Tuyến đường phương Bắc là hành lang giao thông chạy theo bờ biển phía bắc của Nga (gọi là tuyến đông bắc Bắc Cực), có chiều dài ngắn hơn và an toàn hơn, nối châu Âu và châu Á đang ngày càng thuận lợi cho giao thông thương mại, khi khí hậu ấm lên và băng ở biển Bắc Cực đang giảm đi.

Song song với tuyến đường ven biển của Nga, trong tương lai luồng đường tây bắc Bắc Cực có thể sẽ trở thành tuyến vận tải thương mại ngắn nhất từ Đông Á đến châu Âu, làm giảm tối đa chi phí vận chuyển.

Việc sở hữu hạm tàu phá băng khổng lồ, đồng thời đưa đến đây một lực lượng quân sự khổng lồ của 2 lữ đoàn tác chiến bắc cực với các máy bay chiến đấu MiG-31, hệ thống phòng không S-400, máy bay ném bom Tu-95MS… sẽ khiến Nga khống chế hoàn toàn khu vực giàu tài nguyên chưa được khai phá này.

Nga đã đưa máy bay ném bom Tu-95MS và hệ thống phòng không S-400 đến Bắc Cực

Hiện hạm đội tàu phá băng hạt nhân của Nga bao gồm 4 tàu phá băng và 4 tàu phục vụ, được sử dụng để duy trì hoạt động giao thông trên Tuyến đường biển phương Bắc, xuyên qua Bắc Băng Dương và nối với các trạm nghiên cứu nổi ở Bắc Cực.

Tháng 7/2012, công ty RosAtomFlot của Nga đã công bố mở gói thầu trị giá 1,1 tỷ USD chế tạo một chiếc tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới. Chiếc tàu đầu tiên, mang tên Arctic, thuộc mẫu LK-60Ya sẽ được bàn giao cho công ty vào cuối năm 2017.

Lớp tàu LK-60Ya sẽ có chiều dài 173m, chiều rộng 34m, (dài hơn 14m và rộng hơn 4m so với tàu phá băng lớn nhất hiện nay mang tên “50 Let Pobedy”. Tàu có trọng lượng giãn nước khoảng 33.540 tấn, thủy thủ đoàn 75 người, có khả năng phá băng dày tới 2,8 m với tốc độ từ 1,5 đến 2 hải lý/giờ.

Dự kiến, sau khi hoàn tất việc chế tạo tàu phá băng nguyên tử Arctic, Nga sẽ tiếp tục đóng thêm 2 chiếc tàu cùng loại này.