Mỹ thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2

ANTD.VN - Ngày 16-3, Mỹ đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiện đang hoành hành trên toàn thế giới. Một phụ nữ 43 tuổi ở thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ đã trở thành tình nguyện viên đầu tiên thử nghiệm loại vaccine này.

Công ty Công nghệ sinh học Moderna dưới sự tài trợ của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã nghiên cứu và phát triển loại vaccine mang tên mRNA-1273 phòng chống virus SARS-CoV-2. Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của loại vaccine này đã diễn ra tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle, nơi chịu tác động nặng nhất do dịch Covid-19 tại Mỹ.

Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington tại thành phố Seattle, Mỹ

Trước khi được thử nghiệm lâm sàng trên người, vaccine mRNA-1273 đã được thử nghiệm trên động vật và cho kết quả khả quan. Có 45 người tình nguyện tham gia thử nghiệm loại vaccine này, theo đó tất cả người tham gia thử nghiệm sẽ được tiêm2 mũi vaccine cách nhau 28 ngày để xác định khả năng thúc đẩy cơ thể tạo ra protein nhận diện virus SARS-CoV-2.

Loại vaccine phòng chống dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm lâm sàng trên người mang mã hiệu mRNA-1273

Đây là vaccine ngừa dịch bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới được thử nghiệm trên người. NIH cho biết sở dĩ việc nghiên cứu vaccine có những tiến triển nhanh chóng như vậy là do đã có được sự cộng tác của nhóm chuyên gia giầu kinh nghiệm nghiên cứu hai chủng virus khác thuộc họ Corona là SARS và MERS.

Đại diện NIH cũng cho biết thêm, ngay khi có thông tin về trình tự gen của virus SARS-CoV-2 gây dịch CoVid-19, nhóm chuyên gia đã ngay lập tức tiến hành nghiên cứu và cấy ghép thành các mã gen nhân tạo của virus. Sự khác biệt so với việc điều chế các loại vaccine khác nằm ở chỗ các nhà khoa học đã tạo ra vaccine bằng cách nuôi cấy, phân lập và làm yếu virus. Sau khi được tiêm vào cơ thể người, hệ thống miễn dịch sẽ xử lý chuỗi mRNA trong vaccine và tạo ra loại protein nhận diện tương ứng, từ đó, các tế bào miễn dịch có thể phát hiện và tiêu diệt virus ngay khi chúng thực sự lây nhiễm.

Bà Jennifer Haller, 43 tuổi, là giám đốc điều hành tại một công ty về công nghệ quy mô nhỏ ở Seattle, là một trong ba người được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kaiser Permanente tiêm mũi vaccine mRNA-1273 đầu tiên.

Bà Jennifer Haller - một công dân thành phố Seattle, Mỹ là một trong 3 người tình nguyện được tiêm những mũi vaccine đầu tiên

Trước khi tiêm thử nghiệm, bà Haller chia sẻ: “Chúng tôi đều cảm thấy bất lực vì đã không thể làm gì để chống dịch. Vì vậy, đây là cơ hội tuyệt vời cho tôi để làm điều gì đó”, và bà cũng tự hào kể rằng 2 con gái mình đã đánh giá rất cao hành động dũng cảm của mẹ mình.

Sau khi được tiêm xong, bà Haller bước ra khỏi phòng thử nghiệm và cười tươi: “Tôi thấy rất tuyệt vời”. Nữ tình nguyện viên đầu tiên hy vọng thế giới sẽ nhanh chóng có được loại vaccine hiệu quả để phòng dịch CoVid-19 và "có thể cứu được nhiều người". 

Có thể nói, việc tìm ra loại vaccine an toàn và hiệu quả để phòng ngừa đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên thế giới là ưu tiên cấp bách của nền y học toàn thế giới và lần thử nghiệm này là bước đi quan trọng đầu tiên trong những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhân loại trong thời gian qua.

Nếu đợt thử nghiệm cho kết quả tốt, nhà sản xuất mới được cấp phép để sản xuất và cung cấp vaccine ra thị trường.