Mỹ sẽ cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine?

ANTĐ - Chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang thực hiện một bước đi mới trong việc cung cấp vũ khí và trang thiết bị phòng thủ cho quân đội Ukraine khi lực lượng này đụng độ trở lại với phiến quân nổi dậy ở miền đông đất nước, tờ New York Time đưa tin hôm 1-2.

Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng John Kerry và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Martin Dempsey đã mở một cuộc thảo luận về các ý tưởng của tướng NATO Philip Breedlove viện trợ vũ khí sát thương người cho chính quyền Kiev.

Một viên chức khác cũng nói rằng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã chuẩn bị sẵn sàng để xem xét lại quyết định phản đối việc viện trợ vũ khí cho quân chính phủ Ukraine từ trước đó của bà.
Mặc dù nhiều lần Kiev thúc giục nhưng chính quyền các nước phương Tây mới chỉ cung cấp các vũ khí phi sát thương. Theo New York Times, hiện Mỹ đang cung cấp cho quân đội Ukraine vũ khí phi sát thương như: áo giáp, kính nhìn đêm, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị kỹ thuật và thuốc men.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ đến Kiev vào 5-2 tới

Dự kiến, vào hôm 5-2 tới, ông Kerry sẽ tới thăm Kiev để hội đàm với Tổng thống Petro Oleksiyovych Poroshenko và các quan chức Ukraine về vấn đề viện trợ vũ khí sát thương.
Trước tình hình bạo lực tiếp tục trở lại vào cuối tuần qua giữa quân đội chính phủ và lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine, Tổng thống Obama đã bày tỏ lo ngại và nói rằng Mỹ sẽ xem xét tất cả các hành động quân sự để cô lập Nga.
Cũng theo New York Time, 8 cựu quan chức cấp cao của Mỹ sẽ đưa ra một báo cáo độc lập và hôm nay 2-2 để thúc giục Washington gửi 3 tỷ USD vũ khí và trang thiết bị phòng thủ tới Ukraine, bao gồm cả tên lửa chống máy bay trinh sát và máy bay do thám không người lái.
Giao tranh tiếp diễn ở miền đông Ukraine hôm 1-2 khi lực lượng ly khai thân Nga sử dụng hỏa lực pháo binh để cố gắng đánh bật lực lượng chính phủ từ một trung tâm chiến lược, sau khi các cuộc đàm phán hòa bình bị thất bại.

NATO và Kiev cáo buộc Nga gửi hàng nghìn quân, xe tăng và vũ khí hạng nặng để hỗ trợ sự nổi loạn của quân ly khai. Tuy nhiên, Moscow thường xuyên bác bỏ điều này.

Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu đã đồng ý vào hôm 29-1 để nới rộng thêm sáu tháng lệnh trừng phạt kinh tế chống lại nước Nga. Washington cũng hứa sẽ thắt chặt lệnh trừng phạt của riêng mình để duy trì cuộc khủng hoảng kinh tế mà Nga đã gánh chịu.