Mỹ sẵn sàng "nặng tay" với người hàng xóm Canada

ANTD.VN - Dù là người hàng xóm và đồng minh thân cận với Mỹ nhưng Canada đang bị đe dọa gạt ra khỏi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mới, nếu như không chịu nhượng bộ Washington.

Mỹ sẵn sàng "nặng tay" với người hàng xóm Canada ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gạt Canada khỏi Hiệp định NAFTA mới

Sau khi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Canada nhằm sửa đổi hiệp định NAFTA kết thúc ngày 31-8 mà không đạt được thỏa thuận nào, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức viết trên mạng xã hội   Twitter rằng, việc giữ Canada trong thỏa thuận NAFTA mới không phải là điều bắt buộc. Ông Trump thậm chí còn đe dọa: “Nếu không đạt được một thỏa thuận công bằng cho Mỹ thì Canada sẽ bị gạt ra ngoài”.

Bắt đầu có hiệu lực từ cách đây 24 năm, NAFTA được coi là công cụ nhằm gắn kết chặt chẽ 3 nền kinh tế Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada và Mexico. Với việc hầu hết các dòng thuế hàng hóa luân chuyển được loại bỏ cùng khả năng chuyển giao dễ dàng công nghệ và lao động, NAFTA đã góp phần hình thành lên một thị trường chung với hơn 450 triệu dân cùng khối lượng hàng hóa và dịch vụ hơn 17 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, hiệp định này còn giúp cho 3 nước Bắc Mỹ có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới về kinh tế với các khối như EU, AFTA.

Tuy nhiên, từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump chủ trương đàm phán lại NAFTA vì cho rằng Hiệp định này khiến nước Mỹ bị thiệt thòi quá nhiều. Theo ông Trump, hiệp định này là một “trò lừa bịp” với ngành công nghiệp Mỹ, chẳng hạn như làm mất đi một lượng lớn công việc vào tay Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều, và con số thâm hụt thương mại trị giá 64 tỷ USD với Mexico và 11 tỷ USD với Canada. 

Để đạt mục đích, ông Trump dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của Mexico và Canada để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại. Khi đối thủ không nhượng bộ, ông Trump sẵn sàng tiến hành chiến tranh thương mại với Canada và Mexico, mà bằng chứng là từ ngày 1-6-2018, Mỹ đã áp mức thuế nhập khẩu thép 25% và nhôm 10% với các sản phẩm nhập từ hai đối tác trong NAFTA.

Xem ra, chiến thuật “nắm đấm” của ông Trump cuối cùng cũng có kết quả. Dưới sức ép của Mỹ, hôm 27-8, Mexico đã phải đồng ý ký với Mỹ thỏa thuận thương mại sơ bộ. Một trong những thay đổi lớn nhất của thỏa thuận này tập trung vào cái gọi là “Quy tắc xuất xứ”, yêu cầu tỷ lệ 75% bộ phận ô tô được sản xuất trong khu vực NAFTA mới được xuất vào Mỹ, tăng so với mức 62,5% hiện tại. Thỏa thuận này cũng chỉ có giá trị trong 16 năm và sẽ được rà soát lại 6 năm một lần.

Khi người cùng chiến tuyến Mexico đã quy hàng, Canada rơi vào cảnh đơn độc trong cuộc đối đầu với Mỹ. Ông Trump cũng không hề úp mở việc mình sẽ nặng tay bằng tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng với Canada, thành thật mà nói, điều đơn giản nhất mà chúng tôi có thể làm là đánh thuế lên xe ô tô của họ. Đó là một số tiền khổng lồ và vấn đề đàm phán rất dễ dàng”.

Quả thật, nếu không nhượng bộ Mỹ, không ít nhà sản xuất ô tô đang hoạt động ở Canada sẽ bị tổn thất đáng kể. Cụ thể, hãng Fiat Chrysler   Automobiles sẽ bị đánh thuế đối với toàn bộ dòng xe Chrysler, trong khi đó hãng Dodge sẽ bị ảnh hưởng đối với các mẫu xe Charger và Challenger được sản xuất tại Ontario, Canada. Trong khi ông Trump hứng khởi thông báo với các cử tri Mỹ rằng thỏa thuận với Mexico sẽ “đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô tại Mỹ, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao”, thì Canada đang đau đầu tìm cách đối phó. 

Trong bối cảnh Hiệp định NAFTA nay đã được đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico, xem ra Canada khó có cách nào khác.