Mỹ rút quân khỏi Syria: Ai được lợi?

ANTD.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19-12 đã ra thông báo khiến thế giới ngỡ ngàng khi quyết định sẽ rút toàn bộ quân đội Hoa Kỳ khỏi khu vực Syria trong vòng 30 ngày tới. Tuyên bố này của người đứng đầu Nhà Trắng đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh trở nên lung lay trong khi thế lực phe đối lập là Nga và Iran ngày càng củng cố sức mạnh, sự hậu thuẫn của mình tại khu vực này.

Mỹ đưa quân vào Syria kể từ năm 2015 với vai trò là một thành viên của liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang chiếm giữ các vùng lãnh thổ rộng lớn của Syria và Iraq. Việc Mỹ đơn độc rút quân khỏi khu vực này có khả năng sẽ làm giảm uy tín và tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế và những cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột.

Mỹ gây bất ngờ với quyết định rút quân khỏi Syria

“Việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Syria có thể sẽ trở thành ‘đòn bẩy’ cho các thế lực đối lập như IS vùng dậy. Và cả thế giới đã thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng rời bỏ Syria vô điều kiện”, ông Joost Hiltermann, giám đốc khu vực Trung Đông của International Crisis Group, một tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột nhận định.

Quyết định này của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với tình hình chiến sự tại khu vực Trung Đông.

Những quốc gia trực tiếp hưởng lợi

Iran, Nga, chính quyền tổng thống Bashar al-Assad

Những người đầu tiên hưởng lợi từ việc Mỹ rút quân khỏi Syria phải kể đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng những người ủng hộ chính của ông là Iran và Nga. Động thái này của Mỹ sẽ giúp ông Assad thắt chặt quyền lực của mình tại Syria sau thời gian một thời gian dài chiến tranh.

Iran có thể được xem là người hưởng lợi nhiều nhất với tư cách là một đồng minh quốc tế của Syria với khoản đầu tư lớn nhất vào quốc gia này. Trong suốt thời gian chiến tranh, Iran đã có nhiều động thái can thiệp sâu vào Syria để vẽ lại bản đồ chiến lược khu vực Trung Đông.

Iran đã cử sang Syria hàng ngàn quân dân của lực lượng Shitte, những người đã chiến đấu trong các mặt trận chính trên mặt đất, đồng thời triển khai nhiều máy bay không người lái và vũ khí công nghệ cao để củng cố, giữ vững chính quyền ông Assad. Những nỗ lực này của Iran đã trở thành cầu nối quan trọng để vận chuyển vũ khí thông qua Syria tới Hezbollah, đồng minh của dân quân Shitte ở Lebanon và là đối thủ của Israel.

Iran đã huấn luyện và trang bị tốt cho những chiến binh Shitte cùng lúc củng cố quan hệ khăng khít với đồng minh ở Iraq và Lebanon nhằm xây dựng một khối liên minh chống lại Israel.

Bên cạnh Iran, Nga cũng nhận được nhiều lợi ích từ động thái trên của Mỹ. Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về việc rút quân khỏi Iran, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi quyết định trên, ông chia sẻ “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm một điều đúng đắn, tôi hoàn toàn đồng ý với ông ấy”.

Tổng thống Nga Putin tán dương hành động của người đồng cấp Mỹ

Chính phủ Nga đã đóng góp hơn 5.000 binh sĩ cùng hàng chục máy bay chiến đấu để củng cố chính quyền Tổng thống Assad, điều này sẽ giúp an toàn cho cơ sở hải quân chiến lược quan trọng của Moscow tại thành phố Tartus, Syria trên khu vực Địa Trung Hải. Nhờ vậy, Nga cũng đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong cuốc chiến tại khu vực này.

Jon B. Alterman, giám đốc và là thành viên cao cấp của Chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã nhận xét: “Quyết định  của Mỹ chắc chắn là một quyết định vô cùng có lợi đối với Nga, khi họ chỉ dành một khoản đầu tư hạn chế lên Syria”.

Nhờ trở thành đồng minh thân thiết với Syria, Nga đã duy trì ổn định tầm ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Đông.

“Nga đã tự mình mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế sau khi thời kỳ huy hoàng của chế độ Soviet”, ông Alterman nói  thêm.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng hưởng lợi từ hành động này của Mỹ

Về phần Tổng thống Assad, quyết định rút quân của Mỹ sẽ góp phần mở ra con đường thuận lợi cho chính quyền của ông cai trị, cùng sự ủng hộ của đồng minh.

Hai mối đe dọa hàng đầu của ông Assad đã bị vô hiệu hóa đáng kể sau khi Mỹ hỗ trợ Syria tiêu diệt các nhóm phiến quân cố gắng lật đổ chính phủ Syria cùng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và quyết định rút lui khỏi khu vực này.

Thổ Nhĩ Kỳ

Bên cạnh 3 lực lượng chính trực tiếp hưởng lợi từ quyết định rút lui của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng “vui mừng” trước động thái trên.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và đồng minh NATO thường xuyên gặp bất hòa khi bàn về các vấn đề khu vực này dù đều cùng phe phản đối chính quyền ông Assad.

Nguyên nhân chủ yếu do Mỹ ủng hộ người Kurd tại Syria, nhấn mạnh đây là lực lượng chính, quan trọng nhất trong quá trình đẩy lùi Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã bất hòa với phe ly khai người Kurd tại khu vực đông nam đất nước và cho rằng lực lượng Kurd chính là mối đe dọa hàng đầu tại khu vực biên giới miền bắc Syria. Thậm chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gần đây còn đe dọa sẽ can thiệp quân sự để trấn áp lực lượng người Kurd được Mỹ ủng hộ từ năm 2015.

Bởi vậy, việc Mỹ bất ngờ rút quân dường như đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động để kiểm soát sức mạnh người Kurd ở khu vực Syria.

Lực lượng bị bỏ rơi

Người chịu nhiều bất lợi nhất từ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ chính là lực lượng người Kurd ở Syria. Mặc dù là đồng minh chủ chốt của Mỹ trong chiến dịch chống lại Nhà nước Hồi giáo, Lực lượng Dân chủ Syria do người Kurd lãnh đạo gần như đã bị bỏ rơi sau khi giành được những thắng lợi đáng kể.

Ông Alan Hassan, một nhà báo người Kurd làm việc tại TP Qamishli, Syria, cho biết cộng đồng người Kurd rất bàng hoàng. “Chúng tôi rất sốc. Không khí ở đây cực kỳ ảm đảm”.

Lực lượng người Kurd chủ yếu dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ để tồn tại, bởi vậy việc Mỹ đột ngột rút quân khiến Kurd bỗng dưng bị bao vây tứ phía, bị các thế lực đối lập đe dọa nghiêm trọng.

Lực lượng Dân chủ Syria đã lên án động thái trên của Tổng thống Trump trong một tuyên bố hôm 20-12.

“Việc Nhà Trắng quyết định rút khỏi miền bắc và miền đông Syria sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến chiến dịch chống khủng bố. Cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa thật sự kết thúc, và thất bại cuối cùng của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa xảy ra”, đại diện lực lượng Kurd phát biểu.

Ngoài ra, họ còn cảnh báo việc Mỹ rút quân khỏi Syria sẽ trở thành đòn bẩy, khiến lực lượng IS tại đây nổi dậy.

IS có khả năng sẽ trỗi dậy sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria

Lực lượng người Kurd có khả năng sẽ mất lãnh thổ và quyền kiểm soát của mình tại khu vực sau thông báo trên của Tổng thống Mỹ. Mutlu Civiroglu, một nhà phân tích các vấn đề người Kurd, trụ sở Washington, Mỹ nhận định: Kurd và các đồng minh của họ đã phải trả giá rất đắt. Họ đã chiến đấu trên tiền tuyến, và hàng ngàn người dân Kurd, cả đàn ông và phụ nữ đã mất mạng để chiến đấu góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

Động thái này của Mỹ bị lên án là một sự phản bội đối với lực lượng Kurd tại Syria, và Tổng thống Donald Trump đã nhận được không ít lời chỉ trích từ nhiều nhà hoạt đông chính trị quốc tế cũng như ngay trong chính quyền của mình.