Mỹ rút "át chủ bài" B-1B khỏi Syria và Iraq: Khoảng lặng trước cơn bão

ANTĐ - Loại máy bay ném bom chiến lược hiệu quả nhất của Mỹ là B-1B đã ngừng tham gia chiến dịch không kích vào các mục tiêu của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở Syria và Iraq.

Trang tin Military dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Các lực lượng không quân Mỹ, trung tướng Charles Brown cho biết rằng, Hoa Kỳ sẽ rút các máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1B Lancer khỏi các phi vụ không kích ở Iraq và Syria trong thời hạn “không xác định”.

Không quân Mỹ không giải thích lí do tại sao loại máy bay ném bom hiệu quả nhất này ngừng tham gia chiến dịch không kích chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” IS, nhưng có nguồn tin cho rằng, B-1B được cho nghỉ để tiến hành hiện đại hóa, bao gồm một số thay đổi trong buồng lái phi công.

B-1B Lancer là loại máy bay ném bom chiến lược bốn động cơ, tốc độ siêu âm (khoảng 1.448 km/h). Hiện không quân Mỹ đang sở hữu 67 chiếc B-1B, được đánh giá là cùng thế hệ với những máy bay ném bom chiến lược của Nga như Tu-95MS Bear-H hay Tu-160 Blackjack.

Máy bay ném bom B-1B với khả năng mang theo tới 57 tấn vũ khí các loại được đặc biệt đánh giá cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ném bom tại Syria và Iraq do khả năng mang tải đạn lớn trên quãng đường dài - Military.com trích dẫn lời tướng Charles Brown.

Máy bay ném bom B-1B có khả năng mang theo 57 tấn bom đạn

Viên tướng Mỹ cho biết, không quân nước này sẽ mất đi một phần tính cơ động, vì không có loại máy bay nào có khả năng mang nhiều đạn dược như B-1B, tuy nhiên họ đã có kế hoạch dùng máy bay khác thay thế nó trên chiến trường Syria và Iraq.

Một số chuyên gia cho rằng, Mỹ đang tranh thủ khoảng thời gian nghỉ, sau khi thỏa thuận ngừng bắn được thông qua vào ngày 20-2 tại Geneve, để củng cố lực lượng cho “trận đánh sau”, nếu một mai thỏa thuận đình chiến giữa chính quyền Syria và phe đối lập tan vỡ.

Được biết, phái đoàn ủy nhiệm của Mỹ và Nga mới đạt được thỏa thuận tạm thời và còn chờ đợi sự phê duyệt của những cấp cao hơn. Nguồn tin trong phái đoàn đối lập cho biết, thỏa thuận sẽ được thực thi trong vòng một tuần, kể từ khi được thông qua.

Theo đó, tổ chức khủng bố IS và Dzhebhat en-Nusra (tức Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria) bị loại khỏi danh sách các tổ chức “đối lập ôn hòa”, nên cả Nga và Mỹ cùng với quân đội các nước Syria, Iraq vẫn có thể tiếp tục tấn công chúng sau khi thỏa thuận có hiệu lực.