Mỹ răn đe tham vọng và yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với công bố lập trường mới bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ có hàng loạt động thái gia tăng sự hiện diện về quân sự tại vùng biển chiến lược này. Liệu có một cuộc đối đầu quân sự mới giữa hai cường quốc hàng đầu Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông?

Mỹ răn đe tham vọng và yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông ảnh 1Máy bay chiến đấu F-18 cất cánh trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang diễn tập ở Biển Đông

Áp lực, răn đe quân sự của Mỹ với Trung Quốc ở Biển Đông

Những ngày qua, sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố ngày 13-7 bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ liên tiếp có những hoạt động nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng biển chiến lược này. Trong thông báo mới nhất ngày 17-7, hải quân Mỹ cho biết, hai biên đội tàu tác chiến sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đang thực hiện cuộc diễn tập “đỉnh cao” ở Biển Đông. Hai biên đội tàu sân bay này của Mỹ đã hiện diện tại Biển Đông từ cuối tháng 6 tới nay.

Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz cùng tiến hành tập trận phòng không chiến thuật trên biển ở Biển Đông để “duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Hạm đội Thái Bình Dương cho biết thêm, những cuộc diễn tập này sẽ cải thiện năng lực phản ứng của Hải quân Mỹ trước các tình huống bất ngờ trong khu vực.

Theo thông báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, trong quá trình được triển khai, nhóm tàu sân bay này với sự tham gia của 12.000 binh sĩ sẽ tiến hành các cuộc “diễn tập chất lượng cao” cùng các hoạt động khác nhằm duy trì sự ứng phó linh hoạt và đảm bảo cam kết của Mỹ trong những thỏa thuận quốc phòng với đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Cho dù giới chức quân sự Mỹ không muốn dư luận liên tưởng cuộc diễn tập mới nhất của hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz với tuyên bố ngày 13-7 bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi nói rằng, sự hiện diện của hai nhóm tàu sân bay này ở Biển Đông “không nhằm phản ứng với những sự kiện chính trị cụ thể trên thế giới, mà nằm trong đợt huấn luyện thường kỳ nhằm duy trì tính hiệp đồng tác chiến”. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng cuộc diễn tập mới nhất trong thời gian dài cùng hiện diện ở Biển Đông của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ nhằm thể hiện cam kết “nói đi đôi với làm” của Washington trong việc răn đe tham vọng chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển chiến lược trọng yếu toàn cầu này.

Cùng với cuộc diễn tập của hai nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz, trong dịp Mỹ lần đầu tiên khẳng định lập trường bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đồng thời có hàng loạt động thái cho thấy sự gia tăng áp lực, răn đe quân sự của Washington. Các nguồn tin quân sự cho biết, trong các ngày 15 và 16-7, Mỹ đã triển khai máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton vô cùng hiện đại có giá tới 180 triệu USD mỗi chiếc và máy bay tuần thám chống ngầm P-8A bay qua khu vực Biển Đông. Giới quan sát quân sự nhận định, Mỹ dường như đang đẩy mạnh nỗ lực trinh sát tại vùng biển chiến lược vốn là điểm gây xung đột quân sự tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh.

Mỹ cũng có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến Biển Đông sau khi Washington bác bỏ yêu sách đòi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, hai đơn vị đặc nhiệm đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021 để thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng, với ít nhất một trong hai đơn vị sẽ được triển khai ở Biển Đông.

Mỹ “chơi” bài gì chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông?

Sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là “hoàn toàn bất hợp pháp”, giới phân tích cho rằng những gì xảy ra sắp tới có thể là sự gia tăng căng thẳng quân sự ở Biển Đông, các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc cũng như khẩu chiến giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc cũng đã chuẩn bị cho khả năng Mỹ tiếp cận quyết liệt hơn nữa đối với vấn đề Biển Đông, trong khi đáp lại, Mỹ cũng tăng cường hiện diện quân sự và thúc giục các đồng minh, đối tác trong khu vực đối đầu mạnh mẽ hơn với Trung Quốc. 

Trong động thái đáng chú ý, tờ “Thời báo Hoàn cầu” - một ấn bản thuộc “Nhân dân nhật báo” - trong phiên bản tiếng Anh đã tuyên bố, quân đội Trung Quốc “đã sẵn sàng” cho "đối đầu quân sự" với Mỹ tại Biển Đông sau khi Washington bác yêu sách đòi chủ quyền của Bắc Kinh. Trong bài bình luận ngày 14-7, tờ “Thời báo Hoàn cầu” cảnh báo: “Mỹ sẽ tạo ra thêm rắc rối, kích động nhiều cuộc đối đầu trong khu vực, thực hiện thêm các động thái nguy hiểm và hung hăng hơn để kích động xung đột quân sự với Trung Quốc. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã sẵn sàng cho các cuộc xung đột ở Biển Đông và eo biển Đài Loan”.

Có những ý kiến từ giới quân sự diều hâu của Trung Quốc cũng đe dọa, Trung Quốc có những thứ vũ khí như tên lửa “sát thủ tàu sân bay” tầm trung không hề e ngại sức mạnh lợi hại nhất của Mỹ trên biển là nhóm tác chiến tàu sân bay. Trung Quốc được cho sẽ có những biện pháp sức mạnh để đáp trả Mỹ như đẩy nhanh việc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và tăng cường xây dựng phi pháp các cơ sở hạ tầng quân sự ở Biển Đông. Những hành động thể hiện sức mạnh ở Biển Đông của Mỹ và Trung Quốc đã khiến có những chuyên gia lo ngại lên tiếng cảnh báo rằng, điều này có thể dẫn đến những tính toán sai lầm giữa hai bên, làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa hai cường quốc trên Biển Đông. Vậy liệu có dẫn tới một cuộc đối đầu sức mạnh của Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông?

Cho dù cùng chung nhận định Washington và Bắc Kinh còn có thể gia tăng sức mạnh răn đe, song giới phân tích cùng có chung nhận định là rất khó xảy ra va chạm, đụng độ trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông. Hai cường quốc này hiện sở hữu những sức mạnh mà chỉ một va chạm nhỏ giữa hai bên có thể để lại hậu quả khôn lường với cả hai bên, đặc biệt là hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực. Bất kỳ một đối đầu Mỹ-Trung nào nếu vượt kiểm soát sẽ làm tổn hại lợi ích chiến lược cả hai bên, đó là sự đụng độ, xung đột “lưỡng bại câu thương”.

Vì thế, giới phân tích cho rằng, cùng với việc gia tăng áp lực sức mạnh để cho thấy Mỹ luôn “nói đi đôi với làm” cũng như răn đe mạnh mẽ hơn khiến Trung Quốc phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng hơn với bất kỳ hoạt động quân sự hóa hay “bắt nạt” nào với các quốc gia khu vực trong tương lai, 

Washington sẽ đồng thời dùng các biện pháp khác để ngăn chặn tham vọng và yêu sách chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh như biện pháp pháp lý quốc tế, tạo mặt trận ngoại giao, tung các đòn trừng phạt, cấm vận Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông…