Mỹ ra quyết định "châm ngòi" cho cuộc chiến thương mại

ANTD.VN - Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và một loạt quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico lại “tăng nhiệt” khi Washington tuyên bố áp đặt mức thuế quan mới đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ các đối tác này, có hiệu lực từ ngày 1-6.

Mỹ ra quyết định "châm ngòi" cho cuộc chiến thương mại ảnh 1Sản phẩm thép cuộn tại nhà máy của Tập đoàn thép Salzgitter AG, Đức

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định, Mỹ quyết định chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31-5) và thực thi kế hoạch áp 25% thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico.

Theo người đứng đầu ngành Thương mại Mỹ, EU đã không đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ như đã thỏa thuận nên không thể tiếp tục được hưởng quyền miễn trừ. Trong khi đó, tiến trình đàm phán với Mexico và Canada về việc sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) diễn ra lâu hơn so với kỳ vọng và “chưa biết khi nào sẽ chốt” nên hai nước này cũng chịu chung số phận với EU. Tuy nhiên, ông Wilbur Ross nói: “Chúng tôi chờ mong tiếp tục đàm phán, với Canada và Mexico cũng như với EU do còn tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết”. 

Giới phân tích lập tức cho rằng quyết định của Washington đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với các đồng minh hàng đầu của Mỹ ở châu Âu. Trong một phản ứng mới nhất, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ đáp trả “kiên quyết và thống nhất” trước động thái áp thuế của Mỹ, vốn không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker chỉ trích động thái của Mỹ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời đe dọa sẽ đáp trả với các mức thuế tương đương, nhằm vào một số sản phẩm nhập khẩu có tính biểu tượng từ “Xứ cờ hoa” như xe motor Harley-Davidson, đồ jeans, rượu whiskey và bơ đậu phộng. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire lại nhấn mạnh các biện pháp thuế cứng rắn là “vô lý và nguy hiểm” đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại tự do. Cùng chung quan điểm, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng cần ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và cô lập trong thương mại tự do.

Tương tự châu Âu, Mexico và Canada đã công bố các biện pháp đáp trả gần như ngay lập tức sau quyết định của Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho biết biện pháp đáp trả này nhằm vào các mặt hàng nổi tiếng của Mỹ gồm thép, chân giò lợn, táo, nho và phomai. Canada cũng công bố các biện pháp đáp trả, theo đó áp thuế  lên hàng loạt mặt hàng Mỹ có tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD bắt đầu từ ngày 1-7. 

Ngay trong lòng nước Mỹ, quyết định trên của Chính quyền Tổng thống Donal Trump cũng vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Cộng hòa và lãnh đạo các hiệp hội. Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Tom Donohue nói rằng chính sách thương mại hiện nay của nước này có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế và gây thiệt hại hơn 2 triệu việc làm, chủ yếu ở các bang ủng hộ Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa, nơi bị nhắm tới trong quyết định trả đũa từ Mexico và Canada.

Còn Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương quốc gia Mỹ Rufus Yerxa nhận định: “Thật vô nghĩa khi Mỹ lại gây chiến với các quốc gia đã là đồng minh tốt nhất và các đối tác an ninh của chúng tôi trong 70 năm qua. Lịch sử chưa bao giờ ghi nhận rằng chủ nghĩa quốc gia trên hết lại có thể kích thích nền kinh tế phát triển”. 

Không khó hiểu cho những quyết định cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông kiên trì với khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và thực thi việc bảo hộ mậu dịch. Ông hiểu rằng nếu không hoàn thành lời hứa của mình trong vấn đề này thì sẽ phải đối mặt với sự thất vọng của các cử tri cũng như các công ty nhôm và thép của Mỹ từng không ngừng phàn nàn về việc phải đương đầu với các biện pháp cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều đối thủ nước ngoài, khiến thị trường thế giới tràn ngập sản phẩm kim loại giá rẻ gây thiệt hại cho ngành sản xuất của Mỹ.

Do đó, ngay từ đầu năm 2018, Tổng thống Mỹ đã khởi động một cuộc đối đầu về kinh tế với các đối tác, bất kể là đồng minh lâu năm, thách thức cấu trúc kinh tế thế giới, sự tự do thương mại cũng như sự toàn cầu hóa nền kinh tế.