Mỹ quyết không để Trung Quốc vượt mặt về vũ khí siêu thanh

ANTĐ - Một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc tiết lộ, thiết bị bay tấn công với tốc độ siêu thanh sẽ là sự lựa chọn chính trong hệ thống vũ khí tấn công tốc độ cao, tầm xa thế hệ mới của quân đội Mỹ.

Theo “Thời báo Washington”, trong một hội nghị ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật Alan.R.Schafer đã nói, mặc dù Mỹ đang trong thời gian cắt giảm chi tiêu quốc phòng, nhưng các nguyên mẫu thiết bị bay và một số thử nghiệm gần đây đã chứng thực khái niệm về vũ khí siêu thanh, hơn nữa có một số thiết bị nằm trong dự án trọng điểm về nghiên cứu phát triển vũ khí của Nhà Trắng.

Ông Schafer nói: “Mỹ không chấp nhận đứng sau bất kỳ nước nào về sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm (Ramjet) trong nghiên cứu, chế tạo vũ khí siêu thanh”. Thiết bị bay siêu thanh mang đầu đạn thông thường hoặc mang đầu đạn hạt nhân có thể tấn công chính xác các hệ thống phòng không ngày càng tiên tiến của Trung Quốc, Nga, Iran…

Bài báo cũng cho biết, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công thiết bị bay siêu thanh mang tên WU-14 hôm 09-01-2014. Vũ khí siêu thanh này của Trung Quốc thực sự là một thách thức lớn đối với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, ông Schafer đã từ chối đưa ra lời bình luận về việc thử nghiệm vũ khí siêu thanh của Trung Quốc liệu có làm thay đổi chương trình phát triển tương tự của Mỹ hay không.

Mỹ quyết không để Trung Quốc vượt mặt về vũ khí siêu thanh ảnh 1

Hiện Mỹ đang nỗ lực phát triển thiết bị bay siêu thanh


Trong buổi điều trần trước Hạ viện Mỹ ngày 31-01, chuyên gia tình báo công nghệ thuộc Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ quốc gia không quân Mỹ Lee Fuell đã phát biểu, thiết bị bay siêu thanh của Trung Quốc thực sự được phát triển trên hệ thống phóng tên lửa đạn đạo, có khả năng hướng tới mục tiêu với tốc độ 10 March (gấp 10 lần tốc độ âm thanh).

Ông chỉ ra rằng, Trung Quốc có khả năng tấn công tầm xa chính xác chỉ với việc trang bị đầu đạn thông thường trên thiết bị siêu thanh này. Tuy nhiên, hẳn Bắc Kinh không chịu dừng lại ở đó mà nó chắc chắn có liên quan đến khả năng răn đe hạt nhân của nước này.

Chuyên gia nghiên cứu vũ khí này cũng tiết lộ, Washington cũng có một chương trình phát triển thiết bị bay siêu thanh đầy hứa hẹn mang tên X-51 Waverider. Đây là thiết bị giống như một tên lửa hành trình, trang bị động cơ phản lực xung áp (động cơ Ramjet) siêu thanh tiên tiến, có thể phóng từ giá treo bên cánh của máy bay ném bom B-52 với tốc độ bay tối đa là 5,1Mach.

Sau 3 lần thử nghiệm, X-51 đã có những bước đột phá mới. Trong một chuyến bay thử nghiệm thành công, thiết bị này tuy chỉ bay 300 giây nhưng đã bay xa hàng trăm cây số, đạt độ cao hơn 24km với tốc độ hơn 5 March.

Mỹ quyết không để Trung Quốc vượt mặt về vũ khí siêu thanh ảnh 2

Thiết bị bay siêu thanh X-51 WaveRider của Mỹ


Schafer nói, trong quá trình điều khiển quay trở về tầng khí quyển thiết bị này đã bay được quãng đường rất xa, tuy không đạt được mục tiêu thử nghiệm nhưng chuyến bay này đã thu được những số liệu đáng kể. "Điều này là rất tốt, nó có nghĩa là bây giờ chúng tôi đã bắt đầu nắm được công nghệ siêu thanh".

Ngoài X-51 Waverider ra, cả 3 lực lượng hải quân, không quân và Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ cũng đều có các chương trình nghiên cứu, thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh riêng. Tính ra, tổng chi phí của cả 3 lực lượng này đã vượt quá 2 tỷ USD nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu.

Dự án chế tạo thiết bị bay Falcon  HTV-2 của hải quân Mỹ với vận tốc dự kiến là Mach 20 đã thất bại thảm hại trong cả 2 lần thử nghiệm. Loại vũ khí này giống như WU-14 của Trung Quốc, phải phóng bằng một tên lửa đẩy, sau khi đạt được tốc độ cao nhất định sẽ hướng tới mục tiêu đã định.

Còn thiết bị bay AHW (Advanced Hypersonic Weapon) do Bộ tư lệnh lực lượng phòng thủ tên lửa và vũ trụ (SMDC) Mỹ kết hợp với Bộ tư lệnh lực lượng chiến lược (ARSTRAT) nghiên cứu, chế tạo đã thành công, nhưng chỉ mới chạm ngưỡng siêu thanh với vận tốc đúng bằng Mach 5 trong lần thử nghiệm đầu tiên ngày 17-11-2011. 

Mỹ quyết không để Trung Quốc vượt mặt về vũ khí siêu thanh ảnh 3

Mô tả phần đầu một thiết bị bay siêu thanh


Vũ khí siêu thanh thứ 4 có thể đạt tốc độ 8 Mach do Mỹ và Australia hợp tác nghiên cứu, chế tạo, nằm trong khuôn khổ “Kế hoạch thử nghiệm quốc tế phương tiện bay tốc độ siêu thanh”. Đây là chương trình phát triển chung giữa không quân Mỹ và Tổ chức khoa học công nghệ Australia (DOSTO).

Thiết bị bay thử nghiệm được phóng đi từ bãi phóng tên lửa thám không Andoya của Na Uy, nó đã đạt tới độ cao cực đại 350 km, sau đó bổ nhào xuống và tiếp tục hành trình bay. Tại khoảng độ cao từ 20,5 km đến 32 km, thiết bị bay đã đạt vận tốc cực đại ở Mach 8.

Mặc dù còn có một số thiết bị bay khác được chế tạo với tốc độ cao hơn, nhưng đó là trên lí thuyết, còn trên thực tế chưa có loại nào thử nghiệm thực địa thành công tới Mach 8 như thiết bị này. 

Các thiết bị bay siêu thanh có ưu điểm là tốc độ siêu nhanh giúp nó nhanh chóng tấn công hủy diệt các mục tiêu ở cự li rất xa, khiến kẻ địch không thể đánh chặn được. Hơn nữa, nó có thể gắn trên nhiều thiết bị phóng khác nhau, có khả năng cơ động rất cao.

Nghiên cứu, phát triển các vũ khí siêu thanh là nội dung trọng điểm trong kế hoạch “Tấn công nhanh toàn cầu”, là lợi khí giúp quân đội Mỹ xuyên phá qua các hệ thống phòng không cực mạnh của các quốc gia áp dụng mô hình “chống tiếp cận/khu vực cấm” (A2/AD). Khi loại vũ khí này chính thức ra đời, nó sẽ làm đảo lộn các nguyên lý của chiến tranh cổ điển, mở ra kỷ nguyên mới của chiến tranh hiện đại.