Mỹ quyết không để Trung Quốc hất cẳng khỏi châu Phi

ANTĐ - Ngày 19/11 vừa qua, trang mạng “Geopolitical Monitor” (quan sát địa chính trị) của Canada đã đăng tải một bài viết của bình luận viên quốc tế Chris Mansur với tiêu đề “Oil, Guns, and Military Bases: The US in Africa” (tạm dịch: Dầu, vũ khí và căn cứ quân sự ở châu Phi đều là của Mỹ). 

Trong bài viết, tác giả cho biết, để giành giật lợi ích địa chính trị, kinh tế và mưu toan nẫng tay trên nguồn tài nguyên dầu mỏ, loại “vàng đen” quý hiếm, vô cùng dồi dào ở châu Phi, Mỹ và Trung Quốc lại hình thành một cục diện đối đầu mới tại khu vực này.

Gần đây, Trung Quốc liên tục viện trợ tài chính không hoàn lại và không ngừng cung cấp các loại hàng hóa giá rẻ cho châu Phi (để đổi lấy các hợp đồng dầu mỏ) làm cho vị thế của người “bạn hàng thân thiết” Trung Quốc ngày càng quan trọng hơn so với Mỹ. Mà dường như, động thái thiết lập các mối quan hệ bền vững với các quốc gia châu Phi làm cho hành động quân sự của Bắc Kinh ở hải ngoại ngày càng hãnh tiến hơn.

Hiện nay, vấn đề trọng tâm trong chiến lược an ninh năng lượng của Washington là đa dạng hóa các nguồn cung nhập khẩu dầu mỏ. Đại bộ phận nguồn cung dầu mỏ của Mỹ đến từ Tây bán cầu, một phần đáng kể là của châu Phi và vịnh Ba Tư (còn gọi là vịnh Pecsic). Các mỏ dầu ở tây Phi có vị trí rất quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là nó đem lại cho Mỹ sự lựa chọn thay thế nguồn cung từ khu vực vịnh Ba Tư. Tây Phi cũng gần Mỹ, phí vận chuyển từ đây về thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu từ Vịnh Ba Tư.

Nguồn cung dầu ổn định là yếu tố rất quan trọng
trong chiến lược an ninh quốc gia của cả Mỹ lẫn Trung Quốc

Nigeria và Angola là hai nước sản xuất dầu lớn nhất khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi, nên không có gì ngạc nhiên khi 2 nước này luôn nhận được sự bảo đảm về an ninh của Mỹ. Để nâng cao tầm ảnh hưởng và xây dựng các chính phủ thân Mỹ tại châu Phi, Washington đã triển khai rất nhiều kế hoạch cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự tại khu vực này. Để tăng cường sự hiện diện quân sự, Mỹ đã giành được quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Djibouti, Uganda, Mali, Senegal, Gabon và xây dựng các quân cảng ở Marốc và Tuynidi. Ngoài ra, Mỹ còn mượn danh nghĩa chống khủng bố ở châu Phi để duy trì các hoạt động tình báo bí mật tại khu vực này.

Vì vậy, các động thái của Trung Quốc tại khu vực này, trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của các quan chức quân đội Mỹ. Bắc Kinh đã trở thành đối thủ đáng gờm của Washington trong cạnh tranh tầm ảnh hưởng, xu thế chính trị và nguồn cung ổn định dầu mỏ. Giới chức lãnh đạo của Washington ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện tại và trong tương lai, sự hiện diện của Trung Quốc tại châu Phi chính là sự thách thức lợi ích an ninh của Mỹ tại “Lục địa đen”.

Trong một bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2005 đã nhận định, dường như động thái thiết lập các mối quan hệ bền vững với các quốc gia châu Phi làm cho hành động quân sự của Bắc Kinh ở hải ngoại ngày càng hãnh tiến hơn, điều này xuất phát từ 3 lí do.

Thứ nhất là, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc hàng năm đều trên 7,4%, để duy trì mức tăng trưởng cao như vậy, cần có lượng nhiên liệu khổng lồ dẫn đến kinh tế Trung Quốc phải phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, sự thèm khát nguồn dầu mỏ của châu Phi là điều tất yếu.

Thứ 2, kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ châu Phi của Trung Quốc nhanh chóng vượt qua Mỹ, sau vài chục năm cải cách, mở cửa, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ, trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Thứ 3, đây không phải là lần đầu Trung Quốc xích lại gần châu Phi. Trong khoảng thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, họ đã giúp đỡ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở rất nhiều nước châu Phi, sau đó tiếp tục đầu tư và viện trợ vũ khí rất lớn cho các quốc gia này xây dựng cơ sở hạ tầng sau khi độc lập. Điều này chứng tỏ là Bắc Kinh đã nhận thức được rằng, họ cần phải duy trì sự hiện diện và có những hành động cần thiết để giành được lợi thế địa chính trị quan trọng tại “Lục địa đen”.

Tuy nhiên, châu Phi không thể là sự thay thế hoàn hảo cho vịnh Ba Tư trong lĩnh vực cung cấp dầu mỏ bởi vì năng lực sản xuất của họ còn hạn chế, hơn nữa trữ lượng dầu mỏ đã thăm dò được cũng thấp hơn rất nhiều. Ngoài ra, môi trường chính trị của châu Phi cũng không phải là điều kiện cần lý tưởng. Các vấn nạn như: nội chính bất ổn, chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia đang trỗi dậy, chính biến quân sự, nội chiến liên miên đang trở thành điểm yếu cố hữu cản trở sự đầu tư của các cường quốc vào khu vực này.

Tuy hiện nay Mỹ vẫn đang có tầm ảnh hưởng lớn hơn Trung Quốc nhưng xét về tốc độ gia tăng tầm ảnh hưởng thì rõ ràng Bắc Kinh mới là người ngồi trên chiếc Hummer, còn Whasington thì đang ì ạch trên chiếc Đông Phong cũ kỹ. Nếu người Mỹ không có những động thái quyết liệt hơn, một ngày không xa, họ sẽ bị Trung Quốc vượt mặt.