Mỹ phủ nhận cáo buộc đồng lõa với IS, gây nên cái chết của tướng Nga ở Syria

ANTD.VN - Ngày 25-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc "Washington đồng lõa với IS, gây nên cái chết của tướng Nga tại Deir Ezzor".

Mỹ phủ nhận cáo buộc đồng lõa với IS, gây nên cái chết của tướng Nga ở Syria ảnh 1

Trung tướng Valery Asapov, cố vấn quân sự cấp cao của quân đội Nga tại Syria

"Những thông tin cáo buộc Mỹ hỗ trợ hay đồng lõa dẫn tới cái chết của Trung tướng Nga Valery Asapov ở Syria là hoàn toàn sai sự thật và không giúp tình hình tiến triển hơn. Những cáo buộc về việc Mỹ hậu thuẫn cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là vô căn cứ, bởi vì mục đích duy nhất của Washington là tiêu diệt những kẻ khủng bố. Mỹ cam kết sẽ cùng Nga tiếp tục tiến hành các chiến dịch nhằm giảm xung đột ở Syria", Sputnik dẫn lời nữ phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert ngày 25-9 khẳng định.

Những bình luận trên được Mỹ đưa ra, sau khi Moscow cho rằng, cái chết của Trung tướng Valery Asapov ở Syria là cái giá mà Nga phải trả cho chính sách đạo đức giả của Mỹ gây ra.

Trước đó, hôm 24-9, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Trung tướng Valery Asapov, một cố vấn quân sự cấp cao, đang có mặt tại một đồn chỉ huy ở tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, để hỗ trợ chiến dịch giải phóng hoàn toàn tỉnh này, đã thiệt mạng, sau khi bị tổ chức khủng bố IS pháo kích bất ngờ.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cũng tố Mỹ câu kết với khủng bố IS ở Deir Ezzor. Bằng chứng là Moscow mới đây tung ra những bức ảnh cho thấy, lực lượng đặc nhiệm Mỹ và các tay súng người Kurd, chủ yếu là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được hoạt động tự do tại những khu vực hiện do IS kiểm soát ở Deir Ezzor, đồng thời phía Moscow nói rằng, không ghi nhận được bất kì một cuộc tấn công hay xung đột nào giữa liên quân Mỹ và các nhóm khủng bố tại đây.

Văn phòng báo chí của chiến dịch chống khủng bố IS của Mỹ mang tên "Chiến dịch Nhổ tận gốc" (Operation Inherent Resolve - OIR) phủ nhận tuyên bố của Nga về việc Mỹ thông đồng với IS để hỗ trợ SDF tiến quân là không chính xác.