Mỹ phóng vệ tinh an ninh lớn nhất bằng động cơ tên lửa Nga

ANTĐ - Ngày 20-1, Công ty phóng vũ trụ Liên hợp (ULA) của Mỹ đã phóng thành công một quả tên lửa đẩy Atlas V, sử dụng động cơ của Nga, mang theo vệ tinh an ninh quốc gia nặng nhất của hải quân Mỹ từ bãi phóng Cape Canaveral ở bang Florida lên quỹ đạo.

Vụ phóng này mang theo vệ tinh MUOS thứ 3 mà hải quân Mỹ cho là sẽ "vận hành như một mạng điện thoại thông minh từ vũ trụ, cải thiện lớn thông tin liên lạc vệ tinh an toàn cho lực lượng cơ động Mỹ".

Theo một thông cáo báo chí của hải quân ngay trước khi phóng, hệ thống này sẽ hoạt động giống như một tháp di động ở độ cao 22.000 dặm (gần 40.000km) phía trên Trái đất, cung cấp "cho người dùng một khả năng truyền và nhận dữ liệu và thoại trên phạm vị toàn cầu từ một hệ thống Internet tốc độ cao".

Hai vệ tinh MUOS đã được phóng vào các năm 2012 và 2013, và hải quân Mỹ có kế hoạch sẽ phóng tổng số 5 vệ tinh, những vệ tinh này sẽ tích hợp với 4 trạm mặt đất và phần mềm hiện đại để cung cấp thông tin liên lạc an toàn cho các binh lính Mỹ.

Một vụ phóng tên lửa đẩy Atlas V của Mỹ

"Vệ tinh MUOS cung cấp thông tin liên lạc an toàn giữa các binh lính trên toàn cầu, cũng như kết nối với các mạng lưới mật và công khai và các hệ thống điện thoại của bộ quốc phòng", hải quân cho biết.

Hiện tại, ULA, một liên doanh giữa Boeing và Lockheed Martin được thành lập để thực hiện các vụ phóng vệ tinh cho chính phủ Mỹ, đang sử dụng động cơ đẩy RD-180 do Nga chế tạo trong giai đoạn đầu của tên lửa Atlas V.

Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2015 của Mỹ cấm bộ quốc phòng nước này trao hoặc ký kết các hợp đồng mới mua động cơ do Nga chế tạo cho các tên lửa đẩy. Theo NDAA, hợp đồng hiện tại của ULA về việc sử dụng động cơ RD-180, có hiệu lực đến năm 2019, sẽ không bị ảnh hưởng.

Theo một nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro RD-180, với 16 động cơ tên lửa RD-180 đã mua, Mỹ có đủ tên lửa để tiếp tục thực hiện các vụ phóng vũ trụ đến năm 2016, sau đó, nếu nguồn cung cấp bị chấm dứt, sẽ có sự chậm trễ đáng kể về khả năng phóng vệ tinh an ninh quốc gia lên vũ trụ.