Mỹ - Philippines: Đồng minh mong manh

ANTD.VN - Ngày 16-12, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo với Mỹ rằng Washington cần sẵn sàng cho việc hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác quốc phòng quan trọng giữa hai nước. Động thái này được coi là sự trả đũa của Manila sau khi Washington quyết định hoãn cũng cấp viện trợ tài chính cho các chương trình chống đói nghèo của Philippines do quan ngại về cuộc chiến chống ma túy đẫm máu ở quốc gia Đông Nam Á. Những diễn biến căng thẳng mới nhất cho thấy, mối quan hệ đồng minh lâu năm giữa Philippines với Mỹ đang ngày càng bị suy yếu.

Tổng thống Duterte (trái) đang gây ra rất nhiều điều khó chịu cho chính quyền Barack Obama

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau chuyến công du tới Campuchia và Singapore, Tổng thống Duterte tuyên bố Mỹ hãy chuẩn bị sẵn sàng cho việc hủy bỏ ngay lập tức Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm (VFA) - văn kiện hợp tác quốc phòng được hai nước ký năm 1998, theo đó cho phép quân đội Mỹ triển khai luân phiên hàng nghìn binh sĩ và trang thiết bị quân sự tại quốc gia Đông Nam Á này để phục vụ các cuộc tập trận chung và các hoạt động cứu trợ nhân đạo. 

Tổng thống Duterte cũng nói thêm rằng ông sẽ đưa ra quyết định trong một ngày gần nhất sau khi xem lại một thỏa thuận quân sự khác cũng từng được Mỹ và Philippines ký kết trước đây là Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định Philippines có thể tồn tại mà không cần tiền của Mỹ. 

Phản ứng giận dữ của Tổng thống Duterte xuất phát từ việc Mỹ quyết định tạm dừng viện trợ nhân đạo cho Philippines vì quan ngại sâu sắc về vấn đề nhân quyền trong cuộc chiến chống ma túy khiến gần 6.000 người thiệt mạng ở nước này.

Trước đó, ngày 15-12, bà Molly Koscina, người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Philippines thông báo năm nay Mỹ đã không lựa chọn Manila vào danh sách những nước tiếp tục được nhận gói viện trợ mới của Tổ chức Thách thức Thiên niên kỷ (MCC) do Chính phủ Mỹ sáng lập. Ngay trong cuộc họp báo ngày 16-12, Tổng thống Duterte tuyên bố: “Chúng tôi không cần số tiền đó. Trung Quốc từng nói họ sẽ cung cấp cho chúng tôi nhiều thứ”.

Quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm Mỹ và Philippines đã xấu đi nhanh chóng kể từ khi Tổng thống Duterte lên cầm quyền hồi giữa năm nay. Ông cũng từng khiến nhiều người bất ngờ, khi tuyên bố muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao phải rút về nước.

Theo các chuyên gia phân tích, tuyên bố này của ông Duterte đẩy quan hệ Mỹ - Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng lại mang lại uy tín cho ông trong dân chúng Philippines. Kể từ khi Mỹ rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Philippines vào thập niên 1990, nhiều thành phần trong xã hội Philippines không còn muốn chứng kiến lính Mỹ đóng quân ở nước này.

Vì vậy, những tuyên bố trên của ông Duterte dường như nhằm lấy lòng chủ nghĩa dân tộc của người dân Philippines, từ đó thu hút thêm sự ủng hộ và danh tiếng trong giai đoạn mới nắm quyền của ông Duterte. 

Những gì ông Duterte làm đang thể hiện một sự chuyển hướng địa chính trị quan trọng. Ông Duterte là một người vô cùng cứng rắn, thậm chí còn tuyên bố không quan tâm tới nhân quyền khi thúc đẩy chiến dịch trấn áp tội phạm và triệt phá các băng đảng buôn bán ma túy. Quan điểm này của ông có phần đồng điệu với giới cầm quyền Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 10, ông Duterte tuyên bố ngừng hợp tác với Mỹ về quân sự và kinh tế, thay vào đó công khai nói về một liên minh giữa Philippines và Trung Quốc, hay thậm chí là với Nga. Sự chuyển hướng này sẽ kéo theo những gì? Các lợi ích về kinh tế và chiến lược của Manila vẫn không thay đổi.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Philippines, trong khi đứng đầu là Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Mỹ và là quốc gia phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. Đối tác thương mại lớn thứ ba của Manila là Mỹ, tiếp theo là Singapore - quốc gia có mối quan hệ đối tác quan trọng với Mỹ và đang rất lo ngại về các tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.

Tính tổng cộng, 42,7% khối lượng xuất khẩu của Philippines là sang Nhật Bản, Mỹ và Singapore, trong khi chỉ 10,5% là sang Trung Quốc. Ngược lại, hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 16,1% khối lượng nhập khẩu của Philippines, hầu hết số còn lại là nhập khẩu từ Mỹ và các đồng minh của Washington như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.

Bởi vậy, theo nhận định của báo mạng Businessinsider, khả năng Philippines chuyển hướng từ Mỹ sang Trung Quốc trong vấn đề kinh tế là điều khó có thể trở thành hiện thực.

Có những yếu tố về mặt chiến lược khiến Tổng thống Duterte khó có thể hiện thực hóa các tuyên bố của mình. Trung Quốc vẫn tiếp tục phủ nhận và phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay về vụ kiện của chính quyền Begino Aquino III.

Trung Quốc muốn độc chiếm nguồn tài nguyên dồi dào và thao túng tuyến đường biển trọng yếu trên Biển Đông. Nếu nhượng bộ với Trung Quốc, nhất là ở bãi cạn Scarborough chắc chắn sẽ làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước. Trong khi đó, Lực lượng Vũ trang Philippines đã hợp tác với quân đội Mỹ trong nhiều thập kỷ qua trong khi họ chưa từng hợp tác với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Tòa án Tối cao Philippines từng cảnh báo ông Duterte rằng ông có thể sẽ bị luận tội nếu nhượng bộ Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, điều duy nhất mà Mỹ có thể trông đợi là một người kế nhiệm sáng suốt hơn ông Duterte có thể sẽ đủ sức sửa chữa những sai lầm mà ông gây ra, nếu nền dân chủ của Philippines vượt qua được cơn bão lớn này.

Nhìn từ phía Mỹ, việc ông Duterte ngả về phía Trung Quốc là một hiểm họa tiềm tàng. Sự hiện diện của Philippines bên cạnh Mỹ và các đồng minh là một nền tảng vững chắc để Washington chống lại sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nếu Philippines “ngã” vào vòng tay Trung Quốc, Mỹ sẽ gặp thách thức không nhỏ.