Mỹ phẩm trôi nổi - thu không xuể

ANTĐ - 187.643 là số lượng sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không đảm bảo chất lượng được lực lượng liên ngành thuộc Ban chỉ đạo 389/TP Hà Nội thu giữ trong 6 tháng đầu năm nay. Trong những ngày đầu tháng 8, nhiều loại mỹ phẩm trôi nổi khác cũng được phát hiện, thu giữ.
Mỹ phẩm trôi nổi -  thu không xuể ảnh 1

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đều bị thu giữ

Chuộng hàng “xách tay”

Phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) được chị em phụ nữ truyền tai nhau là nơi mua hàng xách tay “xịn”, từ quần áo, giày dép, túi xách đến mỹ phẩm. Hàng hóa về Hà Nội theo đường xách tay phần lớn tập trung về tuyến phố này. Chị Hà Thu Thủy - nhân viên chi nhánh ngân hàng trên phố Trần Hưng Đạo cho biết: “Mấy chị em trong cơ quan tôi nói, hàng xách tay ở Nguyễn Sơn là hàng ngoại “xịn”, về nước theo đường hàng không. Tôi cũng nhiều lần mua mỹ phẩm tại đó, giá cả chấp nhận được”.

Hiện nay, đa số hàng xách tay đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có nhãn phụ giới thiệu về sản phẩm, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và công bố chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài tuyến phố Nguyễn Sơn, sữa, quần áo, giày dép, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm được rao bán công khai trên mạng với những lời quảng cáo “trên trời”. Bên cạnh đó, không ít cơ sở sản xuất trong nước đã mua nguyên vật liệu, hương liệu về tự chế mỹ phẩm, bán ra thị trường mà không có bất kỳ công bố, đăng ký chất lượng nào.

Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng Việt Nam vừa sính ngoại, lại ham giá rẻ, dễ tin vào quảng cáo nên đã phải chịu thiệt hại về sức khỏe và kinh tế. Theo các chuyên gia, sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể dẫn tới các bệnh về da, viêm da, nhiễm trùng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người sử dụng. 

Đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, để bảo vệ người tiêu dùng, phải có sự phối hợp từ nhiều cơ quan. Đặc biệt, người tiêu dùng phải tự nâng cao nhận thức, kỹ năng của mình khi mua hàng hóa.  Cụ thể, nên mua hàng có xuất xứ rõ ràng, có nhãn phụ tiếng Việt, hiểu được công năng, tác dụng của sản phẩm để lựa chọn phù hợp. “Không ít người tiêu dùng Việt Nam vẫn mua hàng theo tin đồn, truyền miệng và phải gánh hậu quả”- đại diện Cục Quản lý Cạnh tranh nói.

Quét mỹ phẩm trôi nổi

Trước tình trạng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng không đảm bảo gia tăng, gây ảnh hưởng tới người sử dụng và các doanh nghiệp trong nước, BCĐ 389/QG đã phát động đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả là mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm chức năng, bắt đầu từ ngày 15-7.

Theo đó, bên cạnh việc ngăn chặn mỹ phẩm lậu, giả, kém chất lượng ngay từ biên giới, cửa khẩu thì trong nội địa, các địa phương như: Hà Nội, TP.HCM cần làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Bộ Y tế phải rà soát công tác quản lý trong giám định, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đăng ký lưu hành, cấp giấy phép…

Triển khai đợt cao điểm này, lực lượng 389/TP Hà Nội đã liên tiếp kiểm tra, phát hiện các điểm kinh doanh vi phạm. Gần đây nhất, ngày 6-8, lực lượng liên ngành đã kiểm tra các cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại phố Nguyễn Sơn. Tại cửa hàng kinh doanh hàng xách tay số 26, ngõ 158 phố Nguyễn Sơn do anh Vũ Hà Sơn làm chủ, lực lượng chức năng thu giữ 111 chai sữa dưỡng thể xuất xứ nước ngoài, trị giá khoảng 20 triệu đồng.

Tương tự, tại cửa hàng kinh doanh hàng xách tay Liên, số 174 Nguyễn Sơn, lực lượng chức năng cũng tạm giữ hàng trăm sản phẩm gồm: dầu gội, sữa tắm, phấn trang điểm, son môi… có xuất xứ từ nước ngoài. Toàn bộ số hàng này không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. 

Trước đó, trong những ngày đầu tháng 8, lực lượng liên ngành thành phố đã kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm khác trên địa bàn, thu giữ hàng nghìn sản phẩm vi phạm, ước trị giá 275 triệu đồng.

Đáng chú ý là vụ kiểm tra tại cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hùng Hường (27 Lò Đúc, quận Hoàn Kiếm), lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng này kinh doanh nhiều mỹ phẩm nhập lậu, buộc tiêu hủy 2.020 sản phẩm mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng từ, trị giá 56,8 triệu đồng…