Mỹ phẩm giả tràn về Hà Nội, người dùng cẩn trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, tạm giữ nhiều lô hàng mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ trong thời gian vừa qua. Người tiêu dùng nếu mua phải những sản phẩm này có nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe, tài chính.
Lô mỹ phẩm lớn bị lực lượng chức năng tạm giữ khi đang đưa về Hà Nội tiêu thụ

Lô mỹ phẩm lớn bị lực lượng chức năng tạm giữ khi đang đưa về Hà Nội tiêu thụ

Mỹ phẩm giả ào ào về Hà Nội

Cuối tuần qua, đội quản lý thị trường (QLTT) số 12, Cục QLTT Hà Nội tạm giữ, giải quyết 2 lô hàng mỹ phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng. Trong đó, lô hàng gồm 566 chai sữa tắm giả nhãn hiệu Tesori d'oriente do một đối tượng mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh đã được đại diện đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng tại Việt Nam khẳng định là giả mạo.

Trị giá lô hàng khoảng trên 100 triệu đồng. Lô hàng còn lại có giá trị lớn hơn nhiều đang được lực lượng chức năng tiếp tục xử lý.

Cùng thời điểm này, Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh khám phương tiện vận chuyển, tạm giữ gần 5.000 hộp mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm. Số hàng hóa này đang được vận chuyển trên xe ô tô biển kiểm soát 98C-235.00, từ hướng Bắc Giang về Hà Nội qua địa phận thành phố Bắc Ninh.

Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe có 3.100 hộp dưỡng trắng da ngọc trai The New skin, 280 hộp sữa rửa mặt Daxuenilan 100g và 1.150 hộp kem dưỡng da Johnson’s baby có tổng trị giá ước tính khoảng 50 triệu đồng. Toàn bộ số mỹ phẩm trên do nước ngoài sản xuất, lái xe chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội cũng liên tiếp phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc sản phẩm.

Trên thị trường, các sản phẩm mỹ phẩm hiện được bán rất chạy, đặc biệt bán qua hình thức thương mại điện tử (TMĐT). Trên các mạng xã hội, mỹ phẩm trôi nổi được bán trong nhiều nhóm, hội và livestream. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại đối với người sử dụng.

Cẩn trọng mỹ phẩm rẻ, lạ

Ông Nguyễn Đức Lê- Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT) cho hay, hoạt động quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng. Tình trạng này gia tăng vào các tháng cuối năm.

“Mỹ phẩm trên thị trường rất đa dạng, đến từ rất nhiều nguồn khác nhau như: sản xuất, gia công, đóng gói trong nước, nhập khẩu, hàng xách tay của người nhập cảnh… Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường trà trộn và bán cùng hàng thật, khi khách hỏi mới đưa ra bán cho người tiêu dùng”- ông Nguyễn Đức Lê nói.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, những năm gần đây, quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn,…), mỹ phẩm nhập lậu. Mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng. Có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, sở dĩ mỹ phẩm giả tràn lan là vì mặt hàng này ngày càng bình dân, phổ biến. Trong khi đó, điều kiện kinh doanh mỹ phẩm đã được nới lỏng hơn so với trước kia, hình thức phân phối lại đa dạng hơn nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Mua, sử dụng mỹ phẩm giả, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, đại diện Tổng cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

“Các doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm uy tín thường có hệ thống phân phối riêng, vì vậy rủi ro hàng giả, kém chất lượng sẽ thấp hơn nhiều so với các kênh phân phối ngoài hệ thống”- ông Nguyễn Đức Lê nói.

Ngoài ra, người tiêu dùng cần lưu ý các thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, địa chỉ nơi sản xuất, công bố chất lượng. Đối với mỹ phẩm nhập khẩu người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc xuất xứ của mỹ phẩm, nhất là nhãn phụ bằng tiếng Việt phải đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định pháp luật Việt Nam, cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu phải rõ ràng.

Nếu mua mỹ phẩm trên các trang TMĐT, người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường. Các sản phẩm này có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng.