Mỹ nói gì sau vụ tiết lộ NSA do thám 3 đời Tổng thống Pháp?

ANTĐ -Hôm 23-6, Nhà Trắng đã khẳng định Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) không hề nhắm mục tiêu vào Tổng thống Pháp Francois Hollande và sẽ không làm như vậy. 

“Chúng tôi không nhắm mục tiêu và sẽ muốn không quan tâm đến thông tin liên lạc của Tổng thống Hollande. Chúng tôi không tiến hành bất kỳ hoạt động giám sát tình báo nước ngoài nào, trừ khi có một mục đích an ninh quốc gia cụ thể. Điều này áp dụng với tất cả công dân bình thường và các nhà lãnh đạo trên thế giới”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Prize cho biết trong một tuyên bố.

Ông Prize cũng khẳng định “Nhà Trắng làm việc chặt chẽ với Pháp trên tất cả các vấn đề quốc tế quan tâm, và người Pháp là một đối tác không thể thiếu”.
Mỹ nói gì sau vụ tiết lộ NSA do thám 3 đời Tổng thống Pháp? ảnh 1Mỹ khẳng định không nhắm mục tiêu đến Tổng thống Pháp Francois Hollande

Đây là phản ứng đầu tiên của chính phủ Mỹ sau khi WikiLeaks công bố tài liệu có tiêu đề “Espionnage Elysee”, tố giác NSA đã do thám 3 đời Tổng thống Pháp gồm các ông Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy và Francois Hollande trong khoảng thời gian từ 2006 đến tháng 5-2012.
Theo tài liệu này của WikiLeaks, thì vào năm 2011, ông Sarkozy đã khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel-Palestine mà không có sự can dự của Mỹ; còn ông Hollande đã thảo luận về chính sách mở cửa cho đồng Euro của Hy Lạp trở lại thị trường vào năm 2012.
Ngoài ra, tài liệu “Espionnage Elysee” còn tóm tắt cuộc đối thoại giữa các quan chức chính phủ Pháp về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tương lai của Liên minh châu Âu, các mối quan hệ giữa chính quyền Pháp - Đức, những nỗ lực của Pháp để thành lập lại nhân viên điều hành trong Liên Hợp Quốc và căng thẳng giữa Mỹ - Pháp về gián điệp Mỹ ở Pháp.

Đặc biệt, số điện thoại di động của nhiều quan chức trong điện Elysee, bao gồm cả số điện thoại trực tiếp của tổng thống đương nhiệm trong từng nhiệm kỳ cũng được ghi rõ ràng trong tài liệu mà WikiLeaks công bố.

Sau vụ việc này, các nhà phân tích nhận định nếu hành vi của Mỹ là có thật thì sẽ gây ra một cơn bão chính trị ở Pháp, khi mà quốc hội nước này đang hoàn tất một dự luật mới cung cấp cho cơ quan tình báo Pháp quyền hạn mới triệt để hơn, nhằm theo dõi các siêu dữ liệu điện thoại và các hoạt động trực tuyến.

Trong khi ông Hollande vẫn chưa bình luận trực tiếp về vấn đề này thì Đảng Xã hội của ông đã ban hành một tuyên bố, giận dữ chỉ trích “hành động nghe trộm, do thám lén lút là không thể chấp nhận được”. Một phụ tá của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy cũng nói rằng ông Sarkozy “hoàn toàn không đồng ý với những việc làm này, đặc biệt là từ một đồng minh”.

Trước đó, những tiết lộ cáo buộc NSA đã nghe lén điện thoại  di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã gây ra một vụ bê bối chính trị ở Đức, dẫn đến việc bà phải đưa ra lời khiển trách mạnh mẽ đến Mỹ.