Mỹ ngăn chặn "đòn hiểm" của Trung Quốc

ANTD.VN - Hoạt động mua bán và sáp nhập các công ty rất bình thường trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, song nó thực sự đã trở thành một loại “đỏn hiểm” mà Trung Quốc tung ra nhằm đạt được nhiều mục tiêu một lúc.

Mỹ ngăn chặn "đòn hiểm" của Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Barak Obama đã ngăn chặn công ty Trung Quốc thâu tóm công ty công nghệ cao

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 3-12 đã can thiệp để ngăn chặn thương vụ Quỹ Đầu tư Phúc Kiến (Fujian Grand Chip Investment Fund - FGC) của Trung Quốc mua lại Công ty Điện tử Aixtron của Đức. Ông Obama buộc phải “ra tay” sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), trong đó nêu bật nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an ninh của Mỹ nếu Aixtron, nhà sản xuất các thiết bị để chế tạo chíp điện tử của Đức, rơi vào tay công ty Trung Quốc.

Sở dĩ Tổng thống Obama có thể ngăn chặn được vụ thâu tóm của FGC đối với Aixtron cho dù đây là một công ty của Đức bởi công ty điện tử này có nhiều “dây mơ rễ má” tại Mỹ. Theo các số liệu năm 2015, thị trường Mỹ chiếm 1/5 tổng doanh thu của Aixtron. Ngoài ra, gần 20% trong số hơn 700 nhân viên của công ty này đang làm việc tại Mỹ.

Trong khi đó, báo cáo của CFIUS chỉ rõ, nếu Aixtron rơi vào tay FGC sẽ gây ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ bởi công ty điện tử của Đức sở hữu công nghệ chất bán dẫn mới, hiệu quả cao dựa trên Gallium Nitride (GaN) có khả năng ứng dụng vào quốc phòng để giúp tăng cường sức mạnh và độ nhạy của các hệ thống vũ khí, radar. Lầu Năm Góc đặt cược vào GaN để nâng cao hiệu suất một số vũ khí phức tạp nhất như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD hay chương trình làm nhiễu radar địch của hải quân. Công ty Aixtron đã và đang bán sản phẩm áp dụng GaN nhiều năm nay cho các công ty như nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrop Grumman.

Việc Tổng thống Mỹ buộc phải “ra tay” ngăn chặn thương vụ FGC mua lại Aixtron diễn ra trong bối cảnh các công ty của Trung Quốc đã chi hàng chục tỷ USD để mua lại các công ty công nghệ cao của châu Âu và Mỹ. Mới đây nhất, các Thượng nghị sỹ Mỹ hồi đầu tháng 11 vừa qua đã kêu gọi Chính phủ nước này ngăn chặn thương vụ Tập đoàn Zhongwang của Trung Quốc mua lại Tập đoàn Aleris của Mỹ, vốn sở hữu các công nghệ quan trọng về không gian và quốc phòng, với giá 1,1 tỷ USD.

Theo thống kê của Bloomberg, trong 9 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ để trở thành “quán quân” trên thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) toàn cầu bỏ ra 206,6 tỷ USD, tăng 212% so với cùng kỳ năm 2015, để thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc đặc biệt “ưa thích” thâu tóm các các công ty Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng, viễn thông...

Trung Quốc dù đã trỗi dậy mạnh mẽ vài chục năm gần đây, song vẫn tụt hậu khá xa so với Mỹ và châu Âu về khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ cao cũng như ứng dụng của chúng trong lĩnh vực quốc phòng. Theo Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung Quốc, Trung Quốc đã sử dụng các thương vụ thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ và châu Âu như là một “tuyệt chiêu” dùng công cụ kinh tế để thúc đẩy và đạt được những mục tiêu an ninh quốc phòng. Chính vì thế, Ủy ban là một cơ quan của Chính phủ Mỹ phụ trách giám sát mối quan hệ an ninh và thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc này thúc giục Washington cần có biện pháp ngăn chặn “đòn hiểm” của Bắc Kinh.