Mỹ: Nga khó lường hơn Liên Xô thời chiến tranh lạnh

ANTD.VN - Theo một chuyên gia phân tích của Mỹ, rất khó để dự đoán chiến lược của Nga hiện nay, so với Liên Xô thời Chiến tranh lạnh.

Mỹ: Khó dự đoán chính sách của Putin

Trong một bài viết trên trang web của CNBC - kênh truyền hình thông tin kinh tế và thị trường tài chính Mỹ nhận định, khó dự đoán trước về các hành động của Nga hiện nay, so với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

CNBC dẫn nguồn tin của tổ chức tình báo kinh tế mang tên ‘Economic Intelligence Unit’ cho biết, bang giao quốc tế giữa Nga và phần còn lại của thế giới ngày nay đang ở tình trạng "rất ít ổn định và khó tiên liệu hơn so với Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh".

Trong bài viết của mình, chuyên gia hàng đầu của Economic Intelligence Unit về Nga là Agatha Demaré nêu nhận xét rằng, chính quyền Moscow có thể trở thành một trong những "con thiên nga đen" lớn nhất (thuật ngữ chỉ những rủi ro chính trị lớn nhất) thế giới trong năm 2018.

Dưới sự lãnh đạo của ông Vladimir Putin từ năm 1999, Nga đã thể hiện mình là một siêu cường thế giới đang hồi phục với ảnh hưởng chính trị và kinh tế to lớn. Châu Âu, Trung Quốc và Hoa Kỳ đang chăm chú theo dõi Nga, cố tìm ra manh mối về hướng đi của Moscow thông qua chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, ‘tình hình quốc tế hiện nay - với sự khó lường của Nga, đã trở nên kém ổn định hơn và khó dự đoán hơn là thời kỳ Chiến tranh Lạnh'.

Như CNBC nhận xét, nỗ lực của Nga khi khẳng định mình và sự gia tăng những "hành động khiêu khích" của chính quyền Putin trong những năm gần đây, đã khiến các nước láng giềng châu Âu cũng như phương Tây lo ngại.

Cụ thể, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ nước mình năm 2014 và vai trò của Điện Kremlin trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã gây phản ứng quốc tế bằng áp đặt trừng phạt kinh tế chống Moscow, những biện pháp cho đến nay vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Hiện tại, Nga đang ở trung tâm vụ scandal gắn với việc "can thiệp vào hệ thống chính trị" mà cụ thể là cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cuối năm 2016. Hồi giữa tháng 2-2018, 13 công dân và vài tổ chức của Nga đã bị cáo buộc về tội này, bất chấp việc Moscow không công nhận sự dính líu như vậy.

Chuyên gia Demaré cho rằng chiến lược địa-chính trị và chính sách đối ngoại; cùng với những hành động cụ thể của Nga đang "ngày càng khó tiên liệu, cùng với đó là việc chính quyền Moscow ngày càng trở nên tự tin hơn trong các hành động của mình".

Theo lời bà Agatha Demaré, hành động của Nga trong chính sách đối ngoại  dường như có hai mục tiêu hàng đầu: Thứ nhất là “gây trở ngại không cho bất cứ nước nào trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của Mosocw tiếp xúc và nghiêng về các thể chế phương Tây như Liên minh châu Âu hoặc NATO”; Thứ hai là “khẳng định và củng cố vị thế của Nga trên vũ đài quốc tế”.

Quan hệ giữa Nga với Mỹ và NATO hiện nay không khác gì quan hệ Xô-Mỹ thời chiến tranh lạnh

Nga: Tất cả mọi sự đều do Mỹ

Ngược lại với quan điểm trên, giới chức lãnh đạo Moscow luôn khẳng định rằng, chính sách của Nga rất đơn giản và dễ hiểu, Điện Kremlin không tìm kiếm sự đối đầu với phương Tây và sự và thù địch với Mỹ và NATO.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ với NATO có thể đã bước vào một giai đoạn tương đương với thời Chiến tranh Lạnh, mà tất cả cơ sự này đều do những hành động thù địch của Mỹ và NATO đối với Nga, không khác gì thời kỳ Liên Xô.

Ông Ryabkov đã nhận định như vậy tại cuộc họp của Ủy ban xã hội Nga về hợp tác quốc tế và ngoại giao công chúng, với chủ đề "Nga-Mỹ: Những vấn đề và triển vọng phát triển quan hệ song phương", được tổ chức tại Viện xã hội Nga hồi đầu tháng 12-2017.

Theo ông, mặc dù Moscow vẫn tiếp tục nỗ lực để bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng Điện Kremlin đặc biệt quan ngại trước mức độ tiêu cực trong mối quan hệ với Nhà Trắng và tâm trạng bài Nga một cách có ý thức, đặc biệt là trong giới truyền thông Mỹ.

Theo ông, tình hình là vô cùng phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ tiếp tục kiên nhẫn theo nghĩa đen và qua tất cả các địa chỉ liên hệ giải thích cho các đồng nghiệp Mỹ rằng, có một số nguyên tắc cơ bản mà nếu không tuân thủ thì sẽ không xây dựng được quan hệ.

Theo ông, rõ ràng là "một phần đáng kể giới tinh hoa Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận việc ông Donald Trump lên nắm quyền" do đó, những quan điểm của ông về Nga nói chung và ông Putin nói riêng đã bị phản bác và họ đã lấy sự thù địch trong quan hệ với Nga làm công cụ trong cuộc đấu tranh chính trị nội bộ.

Ông Trump cam kết mong muốn bình thường hóa quan hệ với Nga nhưng rõ ràng Washington chưa phát triển được giải pháp tiếp cận mạch lạc. Chiến thuật mà đội ngũ cộng sự của ông Trump đưa ra không khác gì mấy đường lối của chính quyền của người tiền nhiệm Barak Obama.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ rõ, xuất phát từ chủ trương lệch lạc đó, chính quyền Washington hiện nay đang dùng tất cả các công cụ của mình và cả các nước châu Âu để giải quyết những nhiệm vụ của chính sách bài Nga. Do đó, quan hệ giữa hai bên sẽ không có cách nào có thể cải thiện được.

Mặc dù như thế, Nga khẳng định vẫn mở cửa cho sự hợp tác mang tính xây dựng với Mỹ trong mọi vấn đề, sẵn sàng đi theo con đường của mình hướng tới sự ổn định và cải thiện các mối quan hệ đã suy thoái trong những năm gần đây, bất kể điều đó không do lỗi của Nga. Moscow bày tỏ hy vọng rằng, sự sáng suốt sẽ sớm trở lại các hành lang quyền lực của Washington.