Mỹ - Nga "hầm hè" tấn công mạng

ANTD.VN - Căng thẳng giữa Mỹ và Nga liên quan đến tấn công mạng có nguy cơ leo thang thành cuộc khủng hoảng mới trong bối cảnh mối quan hệ Washington- Matxcơva được cho đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc trả đũa cuộc tấn công mạng của Nga vào hệ thống máy tính của đảng Dân chủ

Trả lời phỏng vấn ngay trên chuyên cơ Không lực Một ngày 11-10, Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ cân nhắc nhiều biện pháp đáp trả hành động tấn công mạng của Nga nhằm vào các tổ chức đảng phái chính trị ở nước này và có thể hành động đáp trả này sẽ không được thông báo công khai. Đây được xem là tuyên bố chính thức của Nhà Trắng sau khi đã lên tiếng cáo buộc Nga tiến hành chiến dịch tấn công mạng cuối tháng 7 vừa qua nhằm vào đảng Dân chủ.

Trước đó, ngay trước khi tổ chức đại hội từ ngày 26-7 để chính thức đề cử bà Hillary Clinton làm ứng cử viên Tổng thống, đảng Dân chủ đã chấn động bởi vụ rò rỉ nội dung của gần 20.000 bức thư điện tử (email) trao đổi trong nội bộ đảng. Tin tặc đã xâm nhập vào hệ thống thư điện tử của Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC), đánh cắp gần 20.000 email rồi công bố cho thấy ban lãnh đạo đảng này đã tìm cách hủy hoại chiến dịch tranh cử của ông Bernie Sanders nhằm tạo lợi thế cho cựu Ngoại trưởng Hillary trong vòng bầu cử sơ bộ.

Vụ tấn công mạng vào thời điểm nhạy cảm trên chính trường Mỹ đã không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của nữ ứng cử viên Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ mà nguy hại hơn là cho thấy lần đầu tiên nước ngoài toan tính can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính vì thế, các cơ quan tình báo, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ Tư pháp Mỹ đã lập tức vào cuộc tiến hành điều tra vụ tấn công mạng vào hệ thống máy tính của DNC.

Trong thông cáo chung của Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (DNO) đưa ra hôm 8-10, các cơ quan thuộc Chính phủ Mỹ này cáo buộc Chính phủ Nga “đứng đằng sau” những vụ tấn công mạng các tổ chức chính trị Mỹ, trong đó có vụ tấn công vào hệ thống máy tính của DNC. Thông cáo này cũng nhấn mạnh rằng, vụ tấn công mạng này “nhằm can thiệp tiến trình bầu cử Mỹ”.

Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc trên và khẳng định phía Mỹ không có bất cứ bằng chứng nào chứng minh cho cáo buộc đưa ra. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng, cáo buộc tấn công mạng vào hệ thống máy tính của DNC là một “thủ đoạn bẩn thỉu” mà Washington sử dụng để kích động phong trào chống Nga.

Việc Nhà Trắng ngày 11-10 công khai tuyên bố Tổng thống Obama đang cân nhắc các biện pháp trả đũa cuộc tấn công mạng của Nga cho thấy Washington để ngoài tai phản bác của Matxcơva. Tuy nhiên, ông Josh Earnest chưa cho biết chính quyền Mỹ sẽ dùng biện pháp “tương xứng” gì để trả đũa Nga.

Trong khi đó, báo chí Mỹ cho rằng chính quyền ông Obama có nhiều biện pháp đáp trả phía Nga, song mỗi biện pháp lại đều tiềm ẩn “tác dụng phụ” không mong muốn, ví dụ như nếu áp đặt lệnh trừng phạt thì có thể ảnh hưởng đến các nước phương Tây không liên quan gì tới cuộc tấn công mạng, hay tấn công mạng vào quá trình bầu cử của Nga nhưng do hệ thống bầu cử của Nga khác hẳn so với Mỹ nên rất khó xác định mức độ ảnh hưởng… Đó là chưa kể nếu Mỹ tấn công mạng, phía Nga chắc chắn cũng lại đáp trả.