Mỹ muốn đưa tên lửa tầm trung tới Châu Á- Thái Bình Dương, Trung Quốc "phản đòn" quyết liệt

ANTD.VN - Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ muốn triển khai các tên lửa tầm trung tại nhiều địa điểm khác nhau ở châu Á-Thái Bình Dương trong vòng vài tháng, ngay sau khi nước này chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2-8. Ngay lập tức Trung Quốc đã có những động thái đáp trả mạnh mẽ quan điểm này.

Trung Quốc tuyên bố "không ngồi yên"

Trung Quốc bác bỏ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho rằng Trung Quốc đang gây bất ổn cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi phớt lờ các lời cảnh báo một cách vô trách nhiệm và khẳng định bản chất phòng thủ thuần túy trong tiến trình phát triển quân sự của Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (phải) cùng vợ ông được đón tại sân bay Sydney của Úc ngày 3-8  (Ảnh AFP)

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nói rằng, trong một thời gian dài, Mỹ đã can thiệp quá sâu vào các vấn đề của các nước châu Á- Thái Bình Dương, gây chia rẽ các nước trong khu vực bằng cách thúc đẩy cái gọi là "chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương", đồng thời tăng cường triển khai quân sự và tăng cường các liên minh quân sự trong khu vực.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố: "Đã quá rõ ràng bên nào là tác nhân làm suy yếu sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương", đồng thời cũng nhấn mạnh rằng Mỹ từ lâu đã sử dụng Trung Quốc như một cái “cớ” cho các quyết định liên quan đến hiệp ước INF và các vấn đề khác, làm sai lệch sự thật để thổi phồng mối đe dọa mang tên "lửa Trung Quốc”. Và rằng "Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của quốc tế, Mỹ đã rút khỏi hiệp ước INF và hiện đang vội vã tìm cách triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á. Điều này trong thực tế cho thấy ý định thực sự của việc Mỹ rút khỏi hiệp ước, trong khi Trung Quốc theo đuổi chính sách quân sự phòng thủ”.

"Chúng tôi phát triển sức mạnh quân sự không nằm ngoài mục đích tự vệ. Chúng tôi không có ý định và sẽ không đe dọa bất kỳ quốc gia nào. Tất cả các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên đất liền của Trung Quốc đều được triển khai trong lãnh thổ của chúng tôi, điều này là hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là xung quanh lãnh thổ Trung Quốc, rõ ràng, điều đó không dễ để chấp nhận", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Ngoài ra, bà Hoa Xuân Oánh còn nhấn mạnh rằng nếu Mỹ khăng khăng tiến hành các kế hoạch này, an ninh quốc tế và khu vực sẽ bị phá hoại nghiêm trọng.

"Trung Quốc sẽ không ngồi yên xem lợi ích của mình bị xâm phạm. Hơn nữa, chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào gây rối ngay trước “cửa nhà” mình. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia", bà Hoa tuyên bố.

 

Tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường Hợp Phì tham gia tập trận trên Thái Bình Dương - Ảnh: ENG.CHINAMIL.COM.CN/SCMP

Khuyên Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc "thận trọng"

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhắc lại tuyên bố của ông Fu Cong - Giám đốc Cục kiểm soát vũ khí trực thuộc Bộ này, người trước đó tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ buộc phải có biện pháp đối phó nếu Mỹ triển khai tên lửa đất đối không trong khu vực.

Ông Fu Cong cũng khuyên các quốc gia khác, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc "thận trọng" và không nên cho phép Mỹ triển khai vũ khí trên lãnh thổ của họ, đồng thời khuyến cáo "hành động của Mỹ không hề phục vụ lợi ích an ninh của bất kỳ quốc gia trong khu vực".

Trước những diễn biến trên, Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng đã tuyên bố Australia không chấp nhận bị lợi dụng làm căn cứ tên lửa cho bất kỳ quốc gia nào.

Mỹ muốn đưa tên lửa tầm trung tới Châu Á- Thái Bình Dương, Trung Quốc "phản đòn" quyết liệt ảnh 4

Hệ thống tên lửa tầm trung MGM-31 Pershing II của Mỹ trước khi bị phá hủy theo hiệp ước INF (Ảnh: The National Interest).

Washington chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2- 8. Trước đó, vào tháng 2, Mỹ tuyên bố sẽ đình chỉ các nghĩa vụ của mình theo hiệp ước INF nếu Nga từ chối tiếp tục tuân thủ các quy định của hiệp ước, đồng thời cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF qua việc phát triển tên lửa 9M729. Moscow đã bác bỏ các cáo buộc và phản pháo rằng chính các hệ thống phòng thủ của Mỹ được đặt ở châu Âu và được trang bị các bệ phóng có khả năng bắn tên lửa hành trình mới vi phạm điều khoản của hiệp ước.

Hiệp ước INF, ký kết vào năm 1987, vốn được xem là “chốt hãm” hai quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh nhất thế giới trước việc đơn phương phát triển các tên lửa đạn đạo và hành trình mặt đất với tầm bắn từ 500 đến 5.500 km (310 đến 3417 dặm), đã sụp đổ, kéo theo nhiều hệ lụy, mà mức độ ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với hòa bình và an ninh trong khu vực nói riêng và toàn thế giới nói chung là không thể dự báo trước trong ngày một ngày hai.