Mỹ lên án Trung Quốc gây căng thẳng ở Senkaku/Điếu Ngư

ANTĐ - Thượng viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết lên án việc Trung Quốc điều tàu công vụ tới vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nghị quyết do các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đệ trình này đã được Thượng viện nước này nhất trí thông qua hôm 29-7. 

Máy bay trinh sát  P3C Orion của Mỹ vẫn thường xuyên tuần tra biển Đông

Bản nghị quyết đề cập đến việc các tàu Trung Quốc gia tăng hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư và các khu vực khác trên biển Hoa Đông, đồng thời hối thúc Trung Quốc kiềm chế. Theo bản nghị quyết, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới quyền quản lý của Nhật Bản và Mỹ sẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm tổn hại tới điều đó. Năm ngoái, Thượng viện Mỹ cũng thông qua một nghị quyết trong đó tái khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ.                 

Cùng ngày, phát biểu trước báo giới tại Washington, tướng Herbert Carlisle, chỉ huy lực lượng không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cảnh báo, những tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông đang khiến các nước trong khu vực tăng cường quan hệ với Mỹ, trong đó có Philippines. Theo ông Carlisle, thái độ hung hăng có nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm.

“Môi trường hiện tại rất phức tạp và luôn thay đổi. Mỗi hành động đều có thể dẫn đến hậu quả không mong đợi”, tướng Carlisle cảnh báo. 

Thời gian gần đây, Mỹ đẩy mạnh thực hiện chiến lược “xoay trục” tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương một phần do những tuyên bố chủ quyền hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông. Một tài liệu mật của Chính phủ Philippines, mà hãng tin Kyodo News có được, khẳng định máy bay trinh sát P3C Orion của Mỹ đã thực hiện các chuyến tuần tra, để theo dõi các hoạt động tại khu vực tranh chấp ở biển Đông. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm 28-7 cũng cho biết, Philippines có kế hoạch tái bố trí các đơn vị chính của Không quân và Hải quân tới căn cứ Subic ở phía Bắc Manila, nơi Hải quân Mỹ trước đây từng đóng quân, để có thể nhanh chóng tiếp cận tới vùng biển đang tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông.