Mỹ lập rào cản với nguồn nhân lực chất lượng cao?

ANTD.VN - Rào cản với những người nước ngoài muốn tìm việc làm tạm thời tại các công ty công nghệ cao của Mỹ đã được dựng lên sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố tạm ngừng xem xét đơn xin cấp thị thực khẩn theo diện H-1B. 

Thủ tục xin visa H-1B sẽ khó khăn hơn dưới thời của ông D.Trump

Cơ quan Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS) cho biết bắt đầu từ ngày 3-4 tới, cơ quan này sẽ ngừng việc xét duyệt nhanh thị thực H-1B và thay vào đó, tiến trình này có thể kéo dài tới 6 tháng. Theo quy định cũ, người nộp đơn xin cấp nhanh thị thực có thể đủ điều kiện được chấp thuận trong vòng 15 ngày, thay vì tiến trình xem xét thông thường có thể kéo dài tới vài tháng. 

H-1B là loại thị thực không định cư, cho phép chủ doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng và thuê chuyên gia người nước ngoài làm việc tại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định và với các ngành nghề chuyên môn mà lao động nội địa Mỹ không đáp ứng được, ví dụ như công nghệ thông tin, y học, kỹ thuật và toán học. Việc xin visa H-1B do các công ty xin cho nhân viên của mình chứ không phải được cấp theo từng cá nhân. Các chủ doanh nghiệp phải điền đơn bảo trợ hoặc nhờ trợ giúp của luật sư để xin visa H1-B cho lao động ngoại kiều.

Để thỏa mãn yêu cầu thị thực H1-B, chủ doanh nghiệp và người lao động phải đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Chủ doanh nghiệp phải tuân theo những yêu cầu trong quy trình xin thị thực H-1B, cũng như những quy định của USCIS và Bộ Lao động Mỹ. Trung bình mỗi năm, Mỹ giới hạn cấp 65.000 thị thực H-1B, cộng với khoảng 20.000 thị thực cho những đối tượng đã có bằng thạc sĩ trở lên ở Mỹ. Thị thực này có thời hạn 3 năm, nhưng có thể được gia hạn thêm 3 năm.

Cho đến nay, có thể nói H-1B là loại visa làm việc phổ biến mà rất nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp thường xin để có thể ở lại Mỹ làm việc. Mỗi năm, trung bình các công ty nộp khoảng 236.000 hồ sơ xin visa cho nhân viên của mình, cạnh tranh nhau để lấy 85.000 visa theo hạn mức mà luật Mỹ quy định. Do số lượng đăng ký nhiều, người ta phải tổ chức quay xổ số để cấp visa. 

Với các công ty công nghệ cao của Mỹ, visa H-1B là công cụ quan trọng để bổ sung nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao, giúp họ duy trì sức cạnh tranh quốc tế. Chính vì thế, một số công ty công nghệ đã và đang vận động hành lang để mở rộng hạn mức cấp visa, trong khi nhiều người kêu gọi phá bỏ hệ thống “xổ số” này và thay bằng cấp visa cho công ty nào trả mức lương cao nhất.

Tuy nhiên, tình hình đang có những thay đổi với chính sách nhập cư ngày càng cứng rắn dưới thời ông D. Trump. Những người ủng hộ ông D. Trump phê phán chương trình H-1B và nói rằng nhiều công ty Mỹ lợi dụng chính sách này để có thể thuê nhân công giá rẻ nước ngoài thay vì dùng nhân công trong nước đắt đỏ hơn. Trong một phiên điều trần ở quốc hội hồi tháng 2-2016, ông J. Sessions, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ hiện nay, tuyên bố rằng “Hàng ngàn công nhân Mỹ đang bị thay thế bởi lao động nước ngoài do chính sách visa H-1B”.

Bản thân Tổng thống D. Trump từng có những tuyên bố trái ngược nhau về chính sách visa lao động của Mỹ. Đôi khi ông chỉ trích, một số lần khác ông cho đây là một cách quan trọng để giữ người tài lại nước Mỹ. Tuy nhiên, trong cả chiến dịch tranh cử, ông D. Trump thường xuyên tuyên bố sẽ giành lại công ăn việc làm cho người Mỹ. Với tuyên bố tạm ngừng xem xét đơn xin cấp thị thực khẩn theo diện H-1B, xem ra chính quyền của ông D. Trump sẽ hành động theo hướng cứng rắn như tuyên bố lúc tranh cử.

Trước mắt, quy định mới cũng có ngoại lệ. Trong giai đoạn ngừng xét duyệt thị thực trên, các cá nhân vẫn có thể đề nghị xem xét cấp thị thực khẩn, nhưng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định, ví dụ như vì lý do nhân đạo, tình huống khẩn cấp hoặc nguy cơ thiệt hại tài chính nghiêm trọng đối với một công ty hoặc một cá nhân.