Mỹ lần đầu xác nhận Trung Quốc triển khai tên lửa ở Biển Đông

ANTĐ - Trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông vào hôm nay 12-7, Quốc hội Mỹ đã tổ chức một cuộc điều trần về tình hình Biển Đông.

Mỹ lần đầu xác nhận Trung Quốc triển khai tên lửa ở Biển Đông ảnh 1

Ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á

Triển khai tàu sân bay Mỹ tuần tra Biển Đông

Phát biểu tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ hôm 7-7, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á cho biết, Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp tên lửa chống hạm đến các khu vực chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Đây là lần đầu tiên Chính phủ Mỹ công khai xác nhận hoạt động khiêu khích kiểu này của Trung Quốc. Theo ông Denmark, Trung Quốc đã triển khai hệ thống radar, tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và triển khai luân phiên máy bay chiến đấu tới các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông.

Tuy ông Denmark không nói rõ Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm ở khu vực nào, nhưng ông chỉ trích Bắc Kinh “đơn phương làm thay đổi cục diện chiến lược của Biển Đông”.

“Một khi hoàn thành và được trang bị, những cơ sở này sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và hàng hải, cũng như khả năng điều động lực lượng tới khu vực cách xa bờ biển Trung Quốc”, ông Denmark nhấn mạnh trong phiên điều trần trước Tiểu ban về các lực lượng và sức mạnh trên biển thuộc Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.

Quan chức này cho biết thêm, nhằm thể hiện quyết tâm của Mỹ trong việc “di chuyển và hoạt động ở bất cứ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép”, tàu sân bay Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đóng tại căn cứ Yokosuka gần Tokyo (Nhật Bản), sẽ thực hiện hoạt động tuần tra thường lệ ở Biển Đông trong mùa hè này.

Tàu chiến Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 8-7

Khuyến khích Trung Quốc làm theo Ấn Độ

Cũng trong phiên điều trần, vị Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Đông Á hối thúc Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết của PCA.

Ông Denmark nhận định, phán quyết sắp tới của PCA sẽ giúp kiểm định xem liệu tương lai khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ được quản lý bằng luật pháp quốc tế hay bằng sức mạnh quân sự. Ông Denmark lấy ví dụ năm 2014, PCA đã ra phán quyết chống lại Ấn Độ và ủng hộ Bangladesh trong một vụ tranh chấp biển kéo dài 3 thập kỷ. Ấn Độ đã tuân thủ phán quyết này và thừa nhận phán quyết của tòa quốc tế sẽ giúp tăng cường thiện chí và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Vì thế, trong vụ kiện ở Biển Đông, ông Denmark khuyến khích Trung Quốc làm theo Ấn Độ. Bên cạnh đó, ông Denmark còn đề cập đến cuộc đàm phán thành công về vấn đề ranh giới biển giữa Indonesia và Philippines để chứng minh rằng các nước trong khu vực có thể tìm được các biện pháp giải quyết tranh chấp biển một cách hòa bình.

Cũng tại buổi điều trần đó, bà Colin Willett, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề đa phương, chia sẻ quan điểm tương tự với ông Denmark, khẳng định, “các tiền đồn bị quân sự hóa sẽ không ngăn được chúng ta quá cảnh và hoạt động trong vùng Biển Đông. Trái lại, điều này càng đòi hỏi Mỹ duy trì hiện diện ở khu vực”. Bà Willett khẳng định Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia và các cam kết của mình với các đồng minh và đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương. Theo bà Willett, phán quyết sẽ không giúp giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, nhưng sẽ thu hẹp phạm vi khu vực tranh chấp. Bà Willett cho rằng, Mỹ sẽ đảm bảo cam kết bảo vệ các đồng minh trước những mối đe dọa

Trong khi nhiều chuyên gia nhận định, phán quyết của PCA sẽ không có lợi cho Trung Quốc, Bắc Kinh tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông.

“Thế giới sẽ rất quan tâm đến phản ứng của Trung Quốc và Philippines đối với phán quyết. Phản ứng của bất kỳ bên nào chống lại phán quyết của tòa đều có thể là nguồn gốc làm gia tăng căng thẳng”, bà Willett nói và nhấn mạnh, “Mỹ trung lập về phán quyết, song yêu cầu các bên phải thực thi luật pháp quốc tế”.