Mỹ lại gặp bê bối nghe lén, xem trộm

ANTĐ - Cách đây 5 tháng (ngày 12-3), Tổng thống Barack Obama từng cam kết sẽ công bố báo cáo về chương trình thẩm vấn của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngay sau khi hoàn tất các thủ tục. Điều đó chưa kịp thực hiện thì mới đây, Tổng thống Mỹ đã phải thừa nhận, sau vụ tấn công khủng bố hôm 11-9-2001, Mỹ đã làm những việc sai trái và đi quá giới hạn. 

Ông Obama cho rằng, sự ngược đãi bắt nguồn từ sức ép trong việc ngăn chặn những vụ tấn công khác. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Nhà Trắng trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Thượng viện và CIA liên quan đến tiến trình điều tra đối với chương trình thẩm vấn nghi can khủng bố do CIA tiến hành, nhưng bị Tổng thống Barack Obama đình chỉ từ năm 2009. 

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện - bà Diane Feinstein từng chỉ trích CIA vi phạm nguyên tắc phân quyền của Hiến pháp Mỹ. Bà Dianne Feinstein cho biết, từ năm 2009, CIA và Ủy ban Tình báo Thượng viện từng nhất trí thành lập một cơ sở tại Virginia cùng một hệ thống máy tính hoạt động độc lập với mạng lưới của cơ quan tình báo, cho phép các nhà lập pháp Mỹ nghiên cứu tài liệu của CIA. Và trong quá trình nghiên cứu 6,2 triệu tài liệu, các nhân viên điều tra đã phát hiện bản báo cáo nội bộ của CIA ngay trong hệ thống máy tính mà CIA đã thiết lập riêng cho Ủy ban này sử dụng. Giám đốc CIA từng lớn tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng: CIA đã do thám các điều tra viên của Thượng viện bất hợp pháp. Mâu thuẫn giữa Thượng viện và CIA tái bùng phát sau khi CIA phát hiện trong kết quả điều tra chưa công bố của Thượng viện có nội dung một bản báo cáo của CIA thuộc diện không được truy cập.

CIA đã chính thức yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra đối với các nhân viên Thượng viện vì nghi ngờ mạng máy tính của CIA đã bị đột nhập đánh cắp tài liệu mật. Động thái kể trên đã châm ngòi cho cuộc tranh luận giữa Thượng viện và CIA vì Thượng viện cho rằng, nhân viên CIA đã lục soát trái phép máy tính của các nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện đang điều tra chương trình thẩm vấn và bắt giữ dưới thời Tổng thống Bush. Được biết, cuộc điều tra liên quan tới báo cáo về các vụ tra tấn được hoàn tất hồi tháng 12-2012, khi Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua một nghiên cứu 6.300 trang hiện vẫn chưa được công khai trước dư luận.

Theo tờ Washington Post từng tiết lộ, trong báo cáo dày 6.300 trang về tình hình tra tấn tù nhân trong các nhà tù, Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã tố cáo CIA che giấu thông tin, lừa dối Quốc hội và công chúng Mỹ bằng cách giảm bớt sự hà khắc của các cuộc thẩm vấn, đồng thời thổi phồng mức độ nguy hiểm của các âm mưu và tù nhân. Ngoài ra, CIA còn cung cấp thông tin sai lệch cho Bộ Tư pháp để cơ quan này kết luận rằng, các biện pháp thẩm vấn được coi là tương đương với hình thức tra tấn nói trên không vi phạm luật pháp do những người áp dụng không chủ ý gây đau đớn hoặc thương tích.

Trong báo cáo của Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nêu rõ, CIA đã đưa ra tuyên bố sai lệch về số đối tượng phải chịu các kỹ thuật thẩm vấn dã man như dìm trong nước (waterboarding). Theo báo cáo này, CIA đã cản trở hoạt động giám sát của Nhà Trắng cũng như né tránh sự giám sát của cả Quốc hội lẫn Văn phòng Tổng Thanh tra CIA.

Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ đã yêu cầu giải mật hàng trăm trang trong báo cáo chi tiết của Thượng viện về chương trình thẩm vấn gây tranh cãi của CIA dưới thời Tổng thống George W. Bush. Washington dự kiến công bố một báo cáo giải mật của Thượng viện Mỹ trong vài ngày tới, trong đó sẽ nêu chi tiết các hành động được cho là xâm phạm của các nhân viên tình báo chống lại những nhóm cực đoan sau vụ tấn công khủng bố 11-9.

Căng thẳng và mâu thuẫn giữa Thượng viện với CIA trong vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay (kể từ thập niên 1970) được hạ nhiệt khi Giám đốc CIA ông John Brennan đã phải công khai xin lỗi Thượng viện về những sai sót của thuộc cấp sau khi cơ quan chức năng xác nhận cáo buộc nhân viên CIA từng truy cập máy tính của Thượng viện "một cách không phù hợp". 

Trong một diễn biến khác, khi mà Tổng thống Barack Obama đã đề xuất kế hoạch chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu ghi âm các cuộc điện đàm của người Mỹ nhằm xoa dịu cuộc tranh cãi liên quan tới hoạt động giám sát nghe lén của NSA  thì các cuộc điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Trung Đông hồi đầu năm 2014 đã bị đặc nhiệm Israel nghe trộm! Theo tờ tạp chí Đức Der Spiegel dẫn nguồn từ cơ quan mật vụ Mỹ tiết lộ cho biết những cuộc điện thoại qua vệ tinh của ông Kerry về Nhà Trắng cũng như với lãnh đạo Palestine đã bị mật vụ Israel nghe trộm.

Liệu có phải những cuộc nghe lén này đã làm cho Mỹ thất bại trong vai trò trung gian hòa giải hòa bình Trung Đông?-Tờ Der Spiegel đặt câu hỏi. Chính phủ Tel Aviv không còn tin vào chính quyền Tổng thống Barack Obama vì đã “làm hòa” với các kẻ thù của Israel như Iran và Syria. Rất có thể Israel đã sử dụng các thông tin nghe lén được trong quá trình đàm phán về giải pháp ngoại giao cho vấn đề Trung Đông.