Mỹ khẳng định vị thế

ANTĐ -  Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc chuyến thăm tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương bằng thông điệp rõ ràng: “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và sẽ vẫn là như vậy”.

Phó Tổng thống Mỹ Biden tái khẳng định Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương

Thông điệp trên được Phó Tổng thống Mỹ Biden đưa ra ngày 27-7 tại Singapore, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm các quốc gia châu Á từ ngày 22-7. Phát biểu trước các thủy thủ trên con tàu chiến tàng hình hiện đại USS Freedom của Hải quân Mỹ đang neo đậu ở quốc gia Đông Nam Á, ông Biden nêu rõ: “Tôi tuyên bố Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và sẽ vẫn là như vậy”.

Tại chặng dừng chân đầu tiên ở Ấn Độ hay trong cuộc gặp với Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, tại Singapore, ông Biden cũng đã có những phát biểu nhằm khẳng định “vị thế cường quốc Thái Bình Dương” của Mỹ. Theo Nhà Trắng, chuyến thăm của Phó Tổng thống Biden là dịp quan trọng nhằm tăng cường quan hệ đối tác của Mỹ trong khu vực và khẳng định chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. 

Việc Phó Tổng thống Biden liên tục khẳng định Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương trong suốt chuyến thăm châu Á được cho là để tái khẳng định cam kết điều chỉnh chiến lược lấy châu Á-Thái Bình Dương là trọng tâm của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Sự chuyển trọng tâm chiến lược này đã được chính quyền của ông Obama khẳng định ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên tháng 1-2009. 

Sau khi khẳng định chuyển trọng tâm chiến lược của nước Mỹ sang châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama đã nhanh chóng có những biện pháp triển khai trên thực tế. Một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến dịch này là Mỹ đang điểu chỉnh bố trí binh lực để lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương so với Đại Tây Dương từ tỷ lệ 50/50% hiện nay nghiêng thành 60/40% vào năm 2020.

Con tàu USS Freedom mà Phó Tổng thống Biden đứng trên đó để khẳng định chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ chính là một minh chứng cho sự tăng cường hiện diện sức mạnh Mỹ tại châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khi tới thăm tàu USS Freedom đang hiện diện thường trực ở Singapore tháng 6 vừa qua đã tuyên bố con tàu chiến hiện đại này là biểu tượng cho “một kỷ nguyên mới của quan hệ đối tác” khi quân đội Mỹ chuyển hướng tập trung sang châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với gia tăng hiện diện về quân sự cũng như can dự vào các vấn đề an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Obama tích cực thúc đẩy đàm phán để có thể hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương trước cuối năm nay. Theo Tổng thống Obama, TPP góp phần tăng cường quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các quốc gia nằm quanh Thái Bình Dương, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, trong đó các nước hiện đang có quan hệ thương mại với Mỹ sẽ hưởng lợi trị giá khoảng 200 tỷ USD/năm từ hiệp định này. 

Chuyến thăm của Phó Tổng thống Biden cùng với chuyến thăm kéo dài 2 tuần tới một loạt quốc gia châu Á diễn ra chưa đầy 1 tháng trước đó của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho thấy Mỹ đang gia tăng tốc độ triển khai chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á-Thái Bình Dương.