Mỹ - Iran: Từ can dự sang đối đầu

ANTD.VN - Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bất chấp sự xác nhận của các thanh sát viên quốc tế, đang khiến quan hệ Mỹ - Iran rơi vào trạng thái đối đầu căng thẳng.

Lò phản ứng hạt nhân của Iran ở thành phố Bushehr

Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) là thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với Nhóm P5+1 (bao gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cộng với Đức) từ năm 2015, trong đó Iran cam kết hạn chế các chương trình hạt nhân, đổi lại các đối tác sẽ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt áp đặt với quốc gia này liên quan tới vấn đề hạt nhân.

Hơn 2 năm qua, JCPOA đã phần nào chứng tỏ đây là thành công của ý chí chính trị và những nỗ lực ngoại giao không ngừng nghỉ của cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận mang tính bước ngoặt này đã chấm dứt “cuộc đua maraton” đàm phán cam go liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran kéo dài suốt gần 13 năm. 

Không chỉ mở ra chương mới trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, JCPOA còn góp phần đáng kể trong việc đem lại sự ổn định cho khu vực khi một mặt vẫn công nhận quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích dân sự của Iran, song mặt khác có thể ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận có hiệu lực, Iran bị phát hiện có quá nhiều máy ly tâm tiên tiến và sản xuất quá nhiều nước nặng, cho dù các hành động này chưa bị coi là quá nghiêm trọng tới mức bị coi là vi phạm thỏa thuận. Chính vì thế trong các đánh giá gần đây, giới chức quân đội, tình báo Mỹ, các tổ chức quốc tế quan trọng và các đồng minh của Mỹ cũng không khẳng định Iran không tuân thủ JCPOA.

Mọi việc đã thay đổi khi ông D. Trump lên nắm quyền. Vốn không thiện cảm với Tehran nên Chính phủ Mỹ và Tổng thống D. Trump coi JCPOA là thỏa thuận “tồi tệ và một chiều nhất mà Mỹ từng ký kết”. Đó là lý do dẫn đến quyết định của ông D. Trump bác bỏ xác nhận việc Iran đã tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và “nhường” quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không cho Quốc hội hiện do phe Cộng hòa kiểm soát. 

Một khi JCPOA không còn giá trị, Mỹ có thể hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, chuyển từ chính sách “can dự” sang “đối đầu”. Điều này có thể khiến Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên còn đang diễn biến phức tạp, Mỹ có thể bị rơi vào thế đương đầu không mong muốn với một “Triều Tiên thứ hai” ở khu vực Trung Đông, nơi Mỹ đã hao tổn quá nhiều tâm lực và tiền của.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng rơi vào thế kẹt. Ông J. Zarifian, chuyên gia người Pháp chuyên nghiên cứu các vấn đề Mỹ, nhận định căng thẳng trong quan hệ Iran-Mỹ đã xuất hiện trở lại, kéo theo đó là sự hoài nghi và bất ổn trong khi các đồng minh châu Âu của Mỹ không biết nên phản ứng như thế nào.

Chuyên gia này cho rằng cùng với việc lên án quyết định của chính quyền Mỹ, Iran sẽ từ chối mọi khả năng về thay đổi thỏa thuận. Trong khi đó, Anh, Đức và Pháp sẽ tiếp tục tránh chỉ trích quá nặng nề những quyết định của chính quyền Tổng thống D. Trump trong khi tiếp tục khẳng định cam kết đối với thỏa thuận đang mang lại nhiều lợi ích cho họ.

Theo luật pháp Mỹ, quyền quyết định có chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran hay không thuộc về Quốc hội. Cơ quan lập pháp Mỹ sẽ có 60 ngày để đưa ra quyết định. Nếu Washington hủy bỏ JCPOA hoặc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đã được gỡ bỏ, phe ủng hộ đường lối cứng rắn tại Tehran (vốn phản đối các cuộc đàm phán với phương Tây) sẽ có cớ để thúc đẩy phát triển vũ khí hạt nhân. Israel chắc chắn sẽ không chấp nhận viễn cảnh này và khi đó cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng leo thang như 10-12 năm trước, thời điểm hiểm họa chiến tranh ở rất gần châu Âu.