Mỹ “hụt chân” trên Lục địa đen

ANTĐ - Không ít người châu Phi chẳng thể hài lòng khi thấy Tổng thống Mỹ Barack Obama thay vì cam kết trợ giúp mạnh mẽ lại hối thúc lục địa nghèo khó nhất thế giới này hãy đứng trên đôi chân của mình.

Tổng thống Obama hối thúc các nước châu Phi hãy đứng trên đôi chân của mình

Người dân châu Phi từng tỏ ra rất phấn khích khi ông Obama trở thành người da màu đầu tiên được bầu làm Tổng thống cường quốc hùng mạnh bậc nhất thế giới. Bản thân ông Obama trong chuyến thăm chớp nhoáng đến Ghana sau khi nhậm chức hơn 4 năm trước đã được nồng nhiệt chào đón khi công khai nhìn nhận gốc gác châu Phi của mình với tuyên bố: “Suy cho cùng, tôi đang mang trong mình dòng máu châu Phi”.

Thế nhưng, thực tế 4 năm cầm quyền trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Obama đã khiến rất nhiều người châu Phi thất vọng. Trong suốt hơn 4 năm qua, cam kết và sự trợ giúp của Tổng thống Obama đối với châu Phi thậm chí còn thấp hơn cả các vị Tổng thống da trắng tiền nhiệm.

Tất nhiên, việc vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ “thiếu sự quan tâm” với châu Phi diễn ra khi cường quốc này phải vật lộn đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế tồi tệ nhất kể từ 7 thập kỷ qua. Chính quyền của ông Obama không mặn mà lắm trong việc thúc đẩy hợp tác với châu Phi trong khi tuyên bố chuyển trọng tâm đối ngoại về châu Á-Thái Bình Dương.

Khi mà chính quyền Mỹ “ngó lơ” châu Phi thì Trung Quốc lại đẩy mạnh hợp tác, vươn lên trở thành đối tác số một của Lục địa đen. Kim ngạch buôn bán 2 chiều châu Phi-Trung Quốc năm 2012 lên tới 200 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với trao đổi thương mại châu Phi-Mỹ, và Trung Quốc cũng vượt Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Lục địa đen với tổng vốn 75 tỷ USD.

Trong bối cảnh vị trí, ảnh hưởng của Mỹ tại châu Phi đã bị “xói mòn” nghiêm trọng thì chuyến công du châu Phi 8 ngày, từ 28-6, của Tổng thống Obama được trông đợi tạo ra bước ngoặt, cải thiện mạnh mẽ quan hệ Mỹ-châu Phi. Song những cam kết, tuyên bố mà Tổng thống Obama đưa ra trong chuyến thăm châu Phi quê hương của ông xem ra đã không đáp ứng kỳ vọng.

Dự án hợp tác lớn nhất mà Tổng thống Obama công bố trong cả chuyến thăm châu Phi là Sáng kiến “Điện châu Phi”, theo đó Mỹ sẽ đầu tư 7 tỷ USD cho việc phát triển các cơ sở điện lực ở 6 nước châu Phi nhằm nâng gấp đôi số người được tiếp cận nguồn điện cho đến nay mới chỉ dành cho 1/3 dân số của châu lục. Ông Obama cũng hứa hẹn gia tăng quy mô thương mại, đầu tư từ Mỹ vào châu Phi trong tương lai nhưng lại không đưa ra những dự án hay cam kết cụ thể.

Thay vào đó, Tổng thống Obama hối thúc các nước châu Phi hãy đứng trên đôi chân của chính mình. Để đạt được điều này, ông Obama cho rằng châu Phi chỉ có thể khai thác hết tiềm năng phát triển khi tiếp tục tiến trình dân chủ, cải thiện năng lực lãnh đạo và chống tham nhũng nhằm thực hiện mục tiêu xoá đói nghèo, cải thiện đời sống và sức khoẻ của người dân. Ông cũng kêu gọi các nước châu Phi phải cùng nhau nỗ lực chấm dứt chiến tranh, xung đột, bất ổn và các tệ nạn...

Nhìn vào chuyến công du châu Phi của Tổng thống Obama, giới quan sát cho rằng Mỹ khó có thể theo kịp ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại lục địa nghèo khó song giàu có tài nguyên và có tiềm năng phát triển này.