Mỹ hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

ANTD.VN - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tăng tốc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.

Mỹ hiện thực hóa Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố Sáng kiến thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ ngày 30-7 trước chuyến thăm 3 nước Đông Nam Á là Singapore, Malaysia và Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington sẽ đầu tư 113 triệu USD vào Sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Pompeo, một phần trong chiến lược này của Tổng thống Donald Trump là thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực. 

Cụ thể, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, trong khoản tiền 113 triệu USD có 25 triệu USD nhằm mở rộng xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,  bổ sung khoản gần 50 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ các nước sản xuất và lưu trữ các nguồn năng lượng, cũng như thiết lập một mạng lưới hỗ trợ mới nhằm thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. Ông Mike Pompeo nêu rõ, số tiền hơn 100 triệu USD này chỉ là khoản thanh toán trước cho một kỷ nguyên mới về sự đóng góp trong lĩnh vực kinh tế của Mỹ đối với hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Sáng kiến mà Ngoại trưởng Pompeo công bố ngày 30-7 được xem là một trong những bước đi thực tế đầu tiên nhằm triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump công bố tháng 11-2017 tại Hội nghị cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai tổ chức. Nội dung cốt lõi của chiến lược này nhằm khẳng định sự ưu tiên cao của Washington, dù dưới bất kỳ chính quyền nào, với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Với Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Tổng thống Donald Trump muốn truyền tải thông điệp rằng, dù rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song Mỹ vẫn coi trọng làm ăn và đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa trên hai trụ cột “tự do” và “cởi mở”. Cũng theo chiến lược này, Mỹ sẽ tiến hành đầu tư “mồi” để thu hút hàng chục nghìn tỷ USD đầu tư công nghệ, năng lượng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực hiện là bạn hàng lớn nhất của Mỹ với tổng kim ngạch thương mại hơn 1.400 tỷ USD mỗi năm.

Cho dù giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump phủ nhận, nhưng giới phân tích vẫn cho rằng Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhằm tạo nên đối trọng với Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện đang triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua việc huy động đầu tư hàng nghìn tỷ USD vào cơ sở hạ tầng của các quốc gia xuyên từ châu Á sang châu Âu và tới tận châu Phi bằng các đường bộ theo hình mẫu “con đường tơ lụa” năm xưa và cả đường biển.

Ngay chính Ngoại trưởng Pompeo cũng phần nào cho thấy mục đích sâu xa của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi công bố Sáng kiến thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực rằng, Washington sẽ không bao giờ can dự vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và phản đối bất kỳ nước nào có ý định này. Giới thạo tin cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm tới 3 nước Đông Nam Á tuần này, ông Pompeo cũng sẽ công bố một biện pháp hỗ trợ an ninh mới đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.