Mỹ "giật mình" trước sự trỗi dậy của hải quân Nga

ANTĐ - Một tài liệu mới của Lầu Năm Góc vừa nhận định, sự hiệu quả của hải quân Nga đang làm Washington hết sức lo ngại. 

Vào hồi tháng 10, hải quân Nga đã phóng 18 tên lửa Kalibr-M từ tàu chiến ngoài biển Caspian, tấn công chính xác các vị trí của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, ở cách đó 2.300km.

Ngoài việc tiêu diệt khủng bố, đây còn được coi như một lời nhắn nhủ gián tiếp đến Lầu Năm Góc về sức mạnh của hải quân Nga. Trong một tài liệu mới của Lầu Năm Góc, giới chức Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về “sự trỗi dậy” của hải quân Nga.

“Nga đã bắt đầu và trong một vài thập kỉ tới, họ sẽ tiến bước dài trong việc xây dựng một lực lượng hải quân ấn tượng, đủ sức bảo vệ chủ quyền quốc gia, mặc dù vẫn xuất hiện tương đối ít ở các khu vực chứa nhiều lợi ích trên thế giới”, đây là những dòng trích trong tài liệu có tên “Hải quân Nga: Sự chuyển mình lịch sử”.

Hải quân Nga đang dần lớn mạnh và khiến Mỹ hết sức lo ngại

Tài liệu này được soạn thảo bởi George Fedoroff, chuyên gia cấp cao của Văn phòng Tình báo hải quân Mỹ.

Theo ông Fedoroff, Mỹ đã đánh giá thấp khả năng quân sự của Nga từ thời kết thúc Chiến tranh lạnh, tuy nhiên, giờ là lần đầu tiên sau 24 năm, Lầu Năm Góc bắt đầu phải thận trọng hơn.

“Kể từ năm 2000, chính phủ và kinh tế Nga đã ổn định, từ đó ngày càng có thêm nhiều nỗ lực nhằm xây dựng lại quân đội, đặc biệt là lực lượng hải quân. Những chương trình bị đình chỉ giờ sẽ tiếp tục, trong khi nhiều dự án mới đang dần hình thành”, tài liệu trên cho hay.

Trong vòng 20 năm qua, hải quân Anh và Mỹ có khả năng độc tôn là phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ tàu ngầm. Pháp chuẩn bị có khả năng này khi tàu ngầm lớp Barracuda được đưa vào phục vụ năm 2017 và Trung Quốc cũng đang nghiên cứu loại vũ khí tương tự. Tuy nhiên, Nga bỗng nhiên xuất hiện và trở thành tâm điểm khi đăng tải một đoạn video cho thấy các tên lửa Kalibr phóng đi từ tàu ngầm lớp Kilo vào đầu tháng 12 vừa qua.

“Kalibr có thể được trang bị trên nhiều loại tàu khác nhau và sử dụng đầu đạn thông thường để tấn công các mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách xa. Có thể thấy rõ Nga đang thay đổi khả năng răn đe, đe dọa và tiêu diệt các mục tiêu của kẻ thù”, ông Fedoroff nhấn mạnh.