Mỹ được gì khi chủ động xoa dịu căng thẳng với Nga?

ANTD.VN - Giữa lúc quan hệ vốn không mấy nồng ấm giữa Nga và Mỹ xấu đi, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ tuyên bố căng thẳng ngoại giao giữa Washington - Moskva “không nên leo thang hơn nữa”, đồng thời hy vọng hai nước có thể bắt đầu phối hợp nhằm cải thiện tình hình. 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp báo ở Washington DC., ngày 10-5-2017

Quan hệ ngoại giao Nga - Mỹ căng thẳng trở lại sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 31-8 yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco cùng 2 cơ sở ngoại giao khác tại Thủ đô Washington và thành phố New York.

Động thái này nhằm đáp trả việc Điện Kremlin yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao tại Nga, sau khi cuối năm 2016, chính quyền Tổng thống Barack Obama ra quyết định đóng cửa một số cơ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ cùng việc trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga và người thân của họ liên quan vấn đề Matxcova tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi giới chức Mỹ tiến hành lục soát văn phòng Thương vụ Nga tại Thủ đô Washington. 

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định với các “hành động thù địch công khai, vi phạm thô bạo luật pháp quốc tế” trên, Washington phải tự chịu trách nhiệm do làm xấu đi quan hệ song phương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng “căng thẳng leo thang không phải do Nga khơi mào”. Ông Lavrov khẳng định Matxcova sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng những động thái của Mỹ, sau đó sẽ có phản ứng.

Vậy tại sao, chính quyền Mỹ bất ngờ đưa ra đường hướng “xuống thang” căng thẳng? Trước hết, phía Mỹ nhận thức rõ rằng việc Nga đáp trả các động thái ngoại giao của Washington được đánh giá là vẫn trong mức độ “kiềm chế” và “đối phó không chính diện”.

Chính quyền Nga vẫn luôn khẳng định chỉ đáp lại các biện pháp thiếu thân thiện từ phía Washington và không mong muốn siết chặt thêm vòng xoáy leo thang căng thẳng trong quan hệ song phương. Hồi tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cam kết rằng Matxcova sẽ không phá vỡ bất kỳ một kênh liên lạc nào với Mỹ, trong đó có định dạng các cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao. 

Hơn nữa, động thái trừng phạt của Nga không gây nhiều tổn hại cho Mỹ. Nga không đề xuất cụ thể tên những nhân viên ngoại giao Mỹ bị trục xuất, mà cho phép Washington quyết định ai đi ai ở. Kết quả là trong tổng số 1.279 nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Nga có tới 934 công dân Nga, chỉ có 345 người Mỹ. Nói cách khác, người “bị trục xuất” đều là công dân nước sở tại.

Thứ hai, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không muốn việc đối đầu với Nga sẽ đẩy Matxcova hướng tới củng cố các liên minh quyền lực mới với Trung Quốc, Ấn Độ hay các tổ chức khu vực có tầm ảnh hưởng như SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải) hoặc BRICS (Các nền kinh tế mới nổi) bên cạnh những đồng minh truyền thống. 

Thứ ba, khi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật tăng cường trừng phạt Nga và buộc Tổng thống Trump ký ban hành thành luật, Mỹ đã vô tình rơi vào thế kẹt với Liên minh châu Âu do lệnh trừng phạt gián tiếp gây ra những bất lợi về kinh tế cũng như năng lượng cho EU. Ảnh hưởng về quyền lợi của đồng minh EU là điều Mỹ không muốn.

Thứ tư, với việc nắm giữ hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, Mỹ và Nga đặc biệt cần duy trì một mối quan hệ ở mức chấp nhận được nhằm kiềm chế lẫn nhau. Điều này đòi hỏi các nỗ lực bền bỉ nhằm tìm kiếm các lĩnh vực mà hai bên có thể đồng thuận và giải quyết các tranh chấp, thay vì sẵn sàng đóng băng mối quan hệ, gia tăng trừng phạt và leo thang các động thái phô trương sức mạnh quân sự.

Ưu tiên hàng đầu là Mỹ tái hợp tác với Nga trong nỗ lực cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và ngăn những kẻ khủng bố như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al-Qeada có được các loại vũ khí này. 

Điều đặc biệt nữa là vấn đề Triều Tiên. Quốc gia ở khu vực Đông Bắc Á vừa chứng tỏ khả năng sở hữu sức mạnh hạt nhân đáng lo ngại bằng vụ thử bom H lần thứ 6. Mỹ sẽ khó có thể kiềm chế Triều Tiên nếu không có được “cái gật đầu” của Nga với vai trò Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.